A. Lĩnh vực kinh tế
I. Về giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ bản:
1. Cử tri thôn Đông Lâm, xã Phong An kiến nghị quan tâm lắp biển báo giảm tốc độ ở ngã 4 đội 6 vì đoạn đường thường xảy ra tai nạn:
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng làm việc với UBND xã Phong An để khảo sát tại vị trí nêu trên. Tại hiện trường nhận thấy đây là vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, là vị trí giao nhau giữa đường liên xã thị trấn Phong Điền - Phong An - Phong Xuân với đường trục thôn Đông Lâm, xã Phong An. Trong năm 2015, tại đây đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa 02 xe gắn máy, hậu quả 01 người chết và 02 người bị thương.
Hiện nay, UBND huyện đã triển khai lắp đặt 4 biển báo cảnh báo đường giao nhau. Riêng 3 cụm gờ giảm tốc, do khối lượng công việc nhỏ, không thể chọn đơn vị thi công gờ giảm tốc bằng nhựa phản quang, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng nghiên cứu thay thế nhựa phản quang bằng vật liệu khác, dự kiến thi công hoàn thành trước ngày 10/12/2017.
2. Cử tri xã Phong Mỹ kiến nghị can thiệp Công ty Cổ phần 1-5 khai thác 499,5 ha rừng trồng tại khu vực Khe Mạ qua đoạn đường lâm sinh trên địa bàn Phong Mỹ đã làm đường hư hỏng, yêu cầu Công ty có kế hoạch sửa chữa:
Đoạn đường lâm sinh này phục vụ cho việc khai thác khoảng 4000 ha rừng (1500 ha rừng cao su và 2500 ha rừng tràm), diện tích rừng này thuộc các đơn vị: Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phong Điền, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5, Ban quản lý Khu bảo tồn nhiên nhiên Phong Mỹ và các hộ dân. Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 có diện tích rừng khai thác ở khu vực này khoảng 400 ha. Đây là tuyến đường lâm sinh nằm trong dự án đầu tư của tỉnh nhưng không thực hiện do cắt giảm vốn. Qua kiểm tra, trên tuyến có nhiều đoạn lún, sụt, lầy lội khó đi lại trong mùa mưa.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã làm việc với Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5, UBND xã Phong Mỹ và các ngành có liên quan của huyện. Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1 – 5 cam kết san gạt một số đoạn bị lầy lội, lún sụt đảm bảo giao thông thuận tiện đoạn đường mà Công ty trong thời gian khai thác. Đồng thời UBND huyện đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư tuyến đường lâm sinh này. Ngày 15/11/2017, UBND tỉnh đã có Thông báo số 317/TB-UBND tại buổi làm việc với huyện Phong Điền về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018, trong đó UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Cử tri xã Điền Lộc kiến nghị quan tâm phê duyệt quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng khu Tiểu thủ công nghiệp tại Điền Lộc:
Cụm tiểu thủ công nghiệp Điền Lộc được phê duyệt quy hoạch vào năm 2011. UBND huyện đã có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư hạ tầng khu quy hoạch này với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai được vì chưa có vốn. UBND huyện đang làm việc với các Sở, ngành cấp tỉnh để đề nghị đưa dự án đầu tư hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp Điền Lộc vào danh mục đầu tư của tỉnh. Trước mắt, từ năm 2018, UBND huyện sẽ kiến nghị HĐND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục cơ bản, thiết yếu như đường giao thông trục chính, hệ thống điện, cấp nước… và huy động các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư khác để xây dựng hoàn thiện các hạng mục phục vụ sản xuất.
4. Cử tri 3 xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc kiến nghị quan tâm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các phương tiện (ô tô tải và xe đông lạnh) lưu thông tại các xã ngũ điền đã chở tôm chết, xác mắm xả nước thải ra đường khi vận chuyển làm ô nhiễm môi trường:
Qua công tác nắm tình hình, hiện nay có một số xe ô tô tải và xe đông lạnh chở tôm chết, xác mắm lưu thông từ Cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang từ 24 giờ đến 05 giờ sáng trên Quốc lộ 49B đi qua địa bàn các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc thuộc huyện Phong Điền xả nước thải có mùi hôi thối xuống đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai bên đường Quốc lộ 49B.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Thông tư số 01/2012/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông thì Công an cấp huyện chỉ được bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính, đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phâp cấp của Giám đốc Công an tỉnh; phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn Quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Đồng thời tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 Chương II của Quy định phân công trách nhiệm, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cho phép Công an huyện Phong Điền có quyền tuần tra và xử lý vi phạm sau: Điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở quá người quy định; người điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe ô tô dừng đỗ không đúng nơi quy định; đi ngược chiều và các hành vi nguy hiểm có khả năng gây ra tai nạn giao thông.
Với các quy định nói trên, Công an huyện Phong Điền không được phép tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của xe ô tô chạy trên tuyến Quốc lộ 49B. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện Phong Điền có Báo cáo số 56/BCĐX-CAH(GT) ngày 19/10/2017 gửi Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên bố trí lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm như phản ánh của kiến nghị của cử tri trên Quốc lộ 49B. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện tuần tra, kiểm soát, chốt chặn các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để phát hiện, xử lý theo quy định. Qua theo dõi và phối hợp tuần tra, kiểm soát đến nay tình trạng ô tô tải và xe đông lạnh lưu thông tại các xã ngũ điền chở tôm chết, xác mắm xả nước thải ra đường đã được giải quyết dứt điểm.
5. Cử tri xã Phong Sơn kiến nghị làm việc với Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế quan tâm nâng cấp công trình đầu mối và hệ thống kênh mương trạm bơm Phong Sơn (Trạm bơm Dinh) để đảm bảo sản xuất lúa 2 vụ cho nhân dân tại HTX Cổ By xã Phong Sơn:
Về việc này, UBND huyện đã làm việc với Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế, theo đó Trạm bơm Dinh xã Phong Sơn hiện do Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế quản lý phục vụ tưới cho 43 ha lúa của HTXNN Cổ Bi xã Phong Sơn. Trạm bơm Dinh được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1990, hàng năm đã được Công ty bảo dưỡng sửa chữa, tuy nhiên do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu và nguồn kinh phí sửa chữa hàng năm nhỏ nên đến nay trạm bơm đã bị xuống cấp. Do đó, đối với công trình đầu mối trạm bơm: UBND huyện đã được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, hiện đang trình phê duyệt dự án, dự kiến sẽ thi công nâng cấp đầu mối trạm bơm trong năm 2018; đối với hệ thống kênh: Trong năm 2017 đã kiên cố hóa kênh chính từ đầu mối với chiều dài hơn 300 m, dự kiến trong năm 2018 tiếp tục kiên cố hóa các tuyến kênh chính với tổng chiều dài 3.200 m và sửa chữa 1.300 m.
6. Cử tri xã Phong Thu kiến nghị quan tâm sớm có kế hoạch để chống sạt lở bờ sông Ô Lâu (đoạn qua vực Bồ Câu, thôn An Thôn):
Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trạng. Qua kiểm tra nhận thấy do ảnh hưởng của lụt bão nhiều năm qua (đặc biệt là lũ lụt do bão số 12 vừa qua) nên bờ sông Ô Lâu đã bị xói lỡ nhiều đoạn qua xã Phong Thu, thị trấn Phong Điền, Phong Hòa và Phong Bình. Vừa qua được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh đã xây dựng kiên cố 6,6 km kè với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.
Riêng bờ sông Ô Lâu đi qua xã Phong Thu bị xói lỡ với chiều dài khoảng 1.000 m trong đó đoạn qua thôn An Thôn dài 600 m, đoạn qua thôn Đông Tây Lái dài 400 m, một số đoạn mái bờ sông dựng đứng. Do nguồn kinh phí cần đầu tư để chống sạt lở bờ sông Ô Lâu (đoạn qua thôn An Thôn) lớn nên UBND huyện đang lập dự án để đề nghị UBND tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để sớm nâng cấp kiên cố hóa tuyến kè này để bảo vệ tuyến đường giao thông Phong Thu đi Phong Mỹ, tuyến đường giao thông liên thôn Đông Tây Lái và một số công trình kiến trúc, đất sản xuất nông nghiệp gần bờ sông của nhân dân.
7. Cử tri xã Phong Hiền kiến nghị quan tâm đầu tư, tu sữa hói Hiền Lương, hiện nay đã bị sạt lỡ (xã đã đề nghị nhiều lần và huyện đã có cán bộ về khảo sát nhưng đến nay chưa được giải quyết):
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện mời đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, báo cáo UBND huyện đề xuất UBND tỉnh bổ sung chủ trương đầu tư vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và đã được UBND tỉnh đồng ý, chấp thuận. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã tổ chức lập các thủ tục đầu tư dự án theo đúng trình tự quy định về đầu tư công và đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 18/10/2017 với tổng mức đầu tư 13.700 triệu đồng. Để giải quyết khó khăn của tỉnh về nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 13.000 triệu đồng và Bộ Tài chính cũng đã trả lời sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ cho dự án khi có điều kiện về nguồn vốn. Do vậy, việc triển khai tổ chức thi công của dự án phụ thuộc vào thời điểm bố trí vốn của dự án.
8. Cử tri xã Điền Hương kiến nghị hỗ trợ thêm kinh phí để sớm hoàn thiện xây dựng trạm bơm Tiền Miếu xã Điền Hương vì qua khảo sát thiết kế và lập dự toán được phê duyệt 860 triệu đồng (kinh phí phân bổ chỉ 300 triệu, phần còn lại ngân sách xã đang gặp khó khăn):
Về nội dung này, UBND huyện đã làm việc với UBND xã Điền Hương và trên cơ sở kết quả thẩm tra dự toán và thẩm định của các Phòng, ban chuyên môn ở huyện thì nguồn kinh phí đã phân bổ đã đảm bảo tổng mức đầu tư công trình, UBND xã Điền Hương không có nhu cầu bố trí vốn thêm đối với công trình này.
9. Cử tri xã Điền Hòa kiến nghị quan tâm đầu tư trạm bơm Hói Dương và Hói Mới để chống hạn và chống úng cho đồng ruộng tại Điền Hòa:
Trạm bơm Hói Dương và trạm bơm Hói Mới xã Điền Hòa có nhiệm vụ tưới chống hạn cho 84 ha lúa vụ Hè Thu ở vùng ruộng cao trên đường QL 49B. Hai trạm bơm này đã được UBND huyện phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật trong năm 2017, trong đó trạm bơm Hói Mới đã được bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2017 và đang được triển khai thi công xây dựng dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Công trình trạm bơm Hói Dương dự kiến được bố trí vốn Chương trình Nông thôn mới trong năm 2018 để tiếp tục triển khai.
10. Cử tri xã Phong Bình kiến nghị quan tâm đến việc lấy ý kiến nhân dân địa phương đối với dự án nạo vét hói từ cầu Tây Phú (Phò Trạch) đến cầu Đá Ngang (Siêu Quần) do huyện đầu tư, thiết kế chưa phù hợp do khi khảo sát chưa lấy ý kiến của nhân dân địa phương vì vậy việc lắp đặt các cống thoát nước không đảm bảo kỹ thuật:
Vấn đề cử tri kiến nghị thuộc dự án Hệ thống đê nội đồng kết hợp giao thông Phong Bình - Phong Chương - Điền Lộc - Điền Hòa. Liên quan đến vấn đề trên, UBND huyện đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về làm việc với địa phương để giải thích làm rõ thêm các vấn đề mà cử cử tri đã quan tâm, kiến nghị và được bà con cử tri nhất trí, đồng tình. Quá trình tổ chức thực hiện dự án của đơn vị tuân thủ các trình tự và quy định hiện hành của nhà nước về khảo sát, thiết kế cũng như thi công.
11. Cử tri xã Phong Chương kiến nghị xây mới cầu trên tuyến đê Hói Nậy đã bị gãy sập và sửa chữa hệ thống cửa điều tiết nước dưới cầu để kịp thời chống úng cho sản xuất nông nghiệp:
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển thôn chủ trì, phối hợp với UBND xã Phong Chương kiểm tra, khảo sát hiện trạng. Qua kiểm tra nhận thấy sau lũ lụt năm 2016, tuyến đê Hói Nậy đã bị sạt lỡ nhiều đoạn, trong đó cầu giao thông tại vị trí đầu tuyến Hói Nậy đã bị xói lỡ chân cầu và gãy sập. Qua khảo sát, đây là cống thủy lợi kết hợp cầu giao thông nhỏ kinh phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Do đó, UBND huyện sẽ trình HĐND huyện xem xét, thống nhất đưa vào danh mục đầu tư xây dựng mới cống kết hợp cầu giao thông này từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018 để đảm bảo sản xuất của nhân dân.
12. Cử tri xã Phong Chương kiến nghị quan tâm làm việc với ngành điện để xã sớm được bàn giao hệ thống điện các trạm bơm cho ngành điện quản lý, sử dụng nhằm hạn chế tình trạng hư hỏng, mất trộm các thiết bị điện:
Về việc này, UBND huyện đã làm việc với Sở Công Thương và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, UBND các xã và các ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện về việc bàn giao các công trình điện được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện (UBND huyện đã có Thông báo số 142/TB-UBND ngày 26/4/2017). Căn cứ Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước sang tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý. UBND huyện đã có Báo cáo số 1791/UBND-KTHT ngày 17/11/2017 về danh mục các công trình điện của các trạm bơm bàn giao cho ngành điện quản lý gửi Sở Công Thương và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, UBND huyện sẽ phối hợp với các ngành cấp tỉnh để hoàn thành công tác bàn giao hệ thống điện các trạm bơm cho ngành điện quản lý trước vụ Đông Xuân 2017 – 2018.
13. Cử tri các xã trong huyện kiến nghị can thiệp, làm việc với công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế về việc di dời các trụ điện cũ sau khi được đầu tư cải tạo lưới điện trung thế, hạ thế theo dự án hỗ trợ của ngân hàng ADB, đơn vị thi công đã tận thu trụ điện cũ nhưng vẫn để lại gốc trụ ảnh hưởng đến việc sản xuất trên đồng rưộng của nhân dân:
Qua thống kê của các xã, trên địa bàn huyện có 189 gốc trụ điện cũ tồn tại trên đồng ruộng. UBND huyện đã có Công văn số 1715/UBND-KTHT ngày 09/11/2017 về việc di dời trụ, gốc trụ điện trên địa bàn huyên Phong Điền gửi Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và đã làm việc với Sở Công Thương, Công ty điện lực TT-Huế để giải quyết vấn đề này.
Hiện nay, Điện lực Quảng điền và Phong Điền đã tiếp nhận hồ sơ, khảo sát để giải quyết theo chỉ đạo của Sở Công Thương và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.
II. Về đất đai và công tác giải phóng mặt bằng:
1. Cử tri xã Phong Hiền kiến nghị quan tâm giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc giao đất cho những hộ có diện tích trồng mía, trồng sắn trước đây của dự án 661:
Về việc này, UBND huyện đã làm việc với UBND xã Phong Hiền, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc giao đất cho những hộ có diện tích trồng mía, trồng sắn trước đây của dự án 661. Qua đó, UBND xã Phong Hiền đã đề nghị UBND huyện giao đất cho 103 hộ với diện tích 87.32 ha đất rừng sản xuất, cụ thể như sau: Tại thôn Cao Ban - La Vần - Truông Cầu, xã Phong Hiền giao đất cho 32 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 30,68 ha; tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền giao đất cho 37 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 17,94 ha; tại thôn Hưng Long - Thượng Hòa, xã Phong Hiền giao đất cho 34 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 38,70 ha. Ngày 27/6/2017, UBND huyện đã có quyết định giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nói trên. Đối với một số hộ còn lại chưa giải quyết, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phong Hiền rà soát quỹ đất và giải quyết trong năm 2017.
2. Cử tri xã Phong Hiền kiến nghị huyện làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương phối hợp cùng địa phương để giải quyết khu đất nghĩa trang nằm trong vùng mỏ hiện đang làm khó khăn cho người dân trong khu vực; đất được quy hoạch để giao công ty khai thác mỏ nhưng chưa đến kỳ khai thác, hiện diện tích trên chưa đền bù nhưng người dân lại không sản xuất được:
Về việc này, UBND huyện đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương, các ngành liên quan, UBND xã Phong Hiền và đại diện các thôn có đất trong khu vực dự án. Qua làm việc đã thống nhất và thông báo cụ thể cho người dân đang sử dụng đất trong khu vực quy hoạch mỏ cát như sau:
Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản số 87/GP-BTNMT ngày 18/6/2012 trên địa bàn xã Phong Hiền với tổng diện tích 406,36 ha gồm 08 khu vực nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 11C và giáp các bàu nước tự nhiên. Theo quy hoạch sử dụng đất của huyện và quy hoạch nông thôn mới của xã Phong Hiền khu vực này được quy hoạch mỏ cát (mục đích sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm). Qua kiểm tra theo Giấy phép được cấp, diện tích của các khu mỏ nằm chồng lên các khu nghĩa trang nghĩa địa và đất sản xuất của các hộ dân gây khó khăn cho quá trình canh tác của các hộ dân. Trong diện tích 406,36 ha nói trên thì có 40,5 ha đã được UBND tỉnh thu hồi đất và cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương thuê đất tại Quyết định số 379/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 tại thôn Vịnh Nảy, xã Phong Hiền để khai thác, diện tích còn lại khoảng 365 ha chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai thì “trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Do đó, UBND huyện yêu cầu UBND xã Phong Hiền thông báo cho các hộ đang sử dụng đất trong khu vực quy hoạch mỏ cát được tiếp tục sử dụng theo mục đích hiện tại, không chuyển mục đích sử dụng đất và không chôn cất thêm mồ mả, không lấn chiếm đất đai và xây dựng mới khác với hiện trạng.
3. Cử tri xã Phong Hiền kiến nghị quan tâm giải quyết dứt điểm về giải phóng mặt bằng đối với hộ ông Tuấn và Bà Hồng ở chợ An Lỗ:
- Đối với giải phóng mặt bằng Vỉa hè trung tâm thương mại An Lỗ: Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 1567/QĐ-UBND ngày 28/08/2012. Tổng diện tích đất thu hồi còn lại đoạn qua xã Phong Hiền: 146,2 m2. Số hộ bị ảnh hưởng 4 hộ. Hiện nay, 04 hộ bị ảnh hưởng (trong đó có ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng) đã đồng ý với phương án bồi thường để thực hiện dự án. Hiện nay, UBND huyện đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư để trình UBND huyện xem xét, phê duyệt theo quy định để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện thi công, hoàn thành và quyết toán công trình này.
- Đối với giải phóng mặt bằng Chỉnh trang công viên ngã tư An Lỗ:
Hiện nay, phạm vi giải phóng mặt bằng dự án Chỉnh trang công viên ngã tư An Lỗ còn lại 02 hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng không đồng ý với chủ trương thực hiện dự án Chỉnh trang khu Công viên ngã tư An Lỗ do UBND huyện phê duyệt và yêu cầu phải có Công văn hoặc chủ trương chấp thuận của UBND tỉnh về dự án này. Về việc này, UBND huyện đã chủ trì đối thoại và giải thích về thẩm quyền phê duyệt dự án, các văn bản pháp luật, nội dung có liên quan nhưng hai hộ vẫn không đồng ý. Để thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định; riêng đối với công tác bố trí tái định cư thì UBND huyện đã ban hành Thông báo số 119/TB-UBND ngày 07/7/2016 về việc đăng ký vị trí tái định cư, nhưng hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Thị Hồng không gửi bản đăng ký nhu cầu tái định cư về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND xã Phong Hiền để các cơ quan có chức năng trình UBND huyện phê duyệt phương án bố trí tái định cư.
Xuất phát từ thực tế trên, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phong Hiền chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, hệ thống chính trị của xã Phong Hiền, thôn An Lỗ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức họp dân để giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng Chỉnh trang công viên ngã tư An Lỗ tại Thông báo số 158/TB-UBND ngày 29/5/2017 về công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn huyện. Ngày 13/6/2017, UBND xã Phong Hiền đã có Báo cáo số 36/BC-UBND về kết quả buổi đối thoại với hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn An Lỗ, theo đó 02 hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Thị Hồng vẫn không đồng ý với chủ trương thực hiện dự án Chỉnh trang Khu công viên ngã tư An Lỗ; xã Phong Hiền và nhân dân thôn An Lỗ đề nghị đẩy nhanh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án để chỉnh trang, tạo cảnh quan tại cửa ngõ phía nam của xã, huyện.
Đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hoàn thành việc niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ cho 02 hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng và đang lập thủ tục giải phóng mặt bằng tại xứ đồng Bà Đa, xã Phong Hiền để đầu tư hạ tầng kỹ thuật bố trí tái định cư cho 02 hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng. Sau khi thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, UBND huyện tiếp tục đối thoại lần cuối với 02 hộ ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Hồng để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong trường hợp 02 hộ không đồng ý, UBND huyện sẽ chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.
4. Cử tri thị trấn Phong Điền kiến nghị sớm giải quyết đất đai liên quan đến 33 ki-ốt tại chợ Phò Trạch mà các hộ hiện nay đang kinh doanh đã tham gia đấu giá trong những năm 1990 trước đây:
Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Phò Trạch, thị trấn Phong Điền. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, UBND thị trấn, Ban Quản lý chợ Phò Trạch (thị trấn Phong Điền) đo đạc, xác định hiện trạng sử dụng đất, tài sản trên đất tại chợ để có phương án sắp xếp cụ thể đảm bảo sử dụng đất hiệu quả. Đối với diện tích đất các lô ki ốt được giao sai thẩm quyền từ năm 1994 đến năm 2000 được xác định là đất thương mại, dịch vụ (theo quy định của pháp luật đất đai), nhưng theo quy hoạch là đất công cộng (đất xây dựng chợ) nên không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với phần diện tích lấn thêm phía trước, không phù hợp quy hoạch nên chưa giải quyết cho thuê được.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân sản xuất kinh doanh, hiện nay UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phong Điền tại khu vực các lô kiốt này từ đất công cộng (đất xây dựng chợ) sang đất thương mại, dịch vụ và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đồng thời đã chỉ đạo UBND thị trấn trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu vực này, điều chỉnh diện tích đất 33 ki-ốt (bao gồm phần diện tích đất được giao sai thẩm quyền và phần diện tích đất cơi nới thêm) sang đất thương mại, dịch vụ.
Sau khi có Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phong Điền của UBND tỉnh và UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu vực này. UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND thị trấn Phong Điền chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức họp dân và hướng dẫn, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao sai thẩm quyền và trình UBND huyện xem xét, cho thuê phần diện tích đất cơi nới thêm với thời hạn là 50 năm.
5. Cử tri thôn Phường Hóp, xã Phong An kiến nghị kiểm tra, quan tâm giải quyết tình trạng khai thác đất ở độ sâu nguy hiểm và xe chở đất từ mỏ đất của Công ty TNHH Bảo Thái gây ô nhiễm môi trường:
- Đối với tình trạng khai thác đất ở độ sâu nguy hiểm:
Ngày 27/7/2017, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về việc kiểm tra hoạt động khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn huyện Phong Điền. Qua kiểm tra thực địa tại khu vực mỏ đất của Công ty TNHH Bảo Thái thì độ sâu khai thác của Công ty đang nằm trong mức sâu khai thác cho phép đến cosd = +9,5m. Đối với khu vực hồ lắng, qua kiểm tra Công ty đã xử lý độ sâu đảm bảo theo quy định và đã thực hiện trồng cây trên phần diện tích đã khai thác.
- Đối với tình trạng xe chở đất từ mỏ đất của Công ty TNHH Bảo Thái gây ô nhiễm môi trường:
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND xã Phong An, Công an huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan ở huyện tiến hành kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra nhận thấy việc vận chuyển đất từ mỏ đất của Công ty TNHH Bảo Thái cơ bản đảm bảo vệ sinh môi trường, Công ty TNHH Bảo Thái thực hiện khá tốt các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường. Song vào lúc cao điểm số lượng phương tiện lưu thông cao nên có phát sinh bụi, Công ty TNHH Bảo Thái đã sử dụng bồn chứa nước để tưới hạn chế bụi ô nhiễm phát sinh. Nhằm đảm bảo vệ sinh môi ̉̀trường, UBND huyện đã giao UBND xã Phong An tăng cương phối hợp với Công an huyện, các ngành có liên quan ở huyện tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Ngày 09/11/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1739/TNMT-KS yêu cầu Công ty TNHH Bảo Thái tạm dừng khai thác mỏ đất tại Phương Hóp để đánh giá lại trước khi trình UBND tỉnh quyết định gia hạn hoặc không gia hạn khai thác.
6. Cử tri xã Phong Mỹ kiến nghị sớm có kế hoạch bàn giao rừng theo Quyết định số 1461/QĐ–UBND ngày 30 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh. Đến nay rừng đã đến chu kỳ khai thác đề nghị UBND huyện có phương án giao đất giao rừng cho nhân dân sản xuất:
Thực hiện Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 30/7/2015 của UBND tỉnh về việc chuyển giao diện tích rừng và đất rừng (1096,51 ha) cho UBND huyện Phong Điền để giao cho người dân các xã quản lý, bảo vệ và sử dụng. UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, đánh giá hiện trạng rừng, đất rừng phục vụ chuyển giao và xác định đặc điểm rừng, đánh giá trữ lượng rừng sản xuất, thiết kế khai thác (chia theo vùng gồm 15 gói) để tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá khai thác gỗ rừng trồng.
Theo diện tích đo đạc thực tế nhận bàn giao là 1.086,66 ha, trong đó có 385,36 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, UBND huyện đã giao Hạt Kiểm lâm chủ trì xây dựng và đã trình phương án giao khoán chăm sóc, bảo vệ; có 701,3 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất, UBND huyện đã giao UBND các xã Phong Xuân, Phong Mỹ lập phương án giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá đối với hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa có đất và thiếu đất sản xuất trên địa bàn là 332,14 ha, cho thuê đất thông qua đấu giá với diện tích 341,56 ha theo Nghị quyết của HĐND huyện đã thông qua; còn lại 27,6 ha các hộ dân lấn chiếm trước thời điểm bàn giao (UBND huyện đã chỉ đạo xử lý theo Chỉ thị 65/2015/CT-UBND của UBND tỉnh).
Đến nay, UBND huyện đã đấu giá hoàn thành 01 gói với diện tích 54,6 ha tại xã Phong Mỹ và đang khai thác, dự kiến cuối quý I/2018 sẽ khai thác xong để giao đất, cho thuê đất. Các khu vực còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để đấu giá khai thác và đã đưa vào kế hoạch giao đất, cho thuê đất năm 2018. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã Phong Xuân, Phong Mỹ tăng cường bảo vệ, quản lý và xử lý nghiêm việc khai thác và trồng rừng trái phép trên diện tích 1096,51 ha này.
III. Về môi trường:
1. Cử tri xã Phong Thu kiến nghị quan tâm có biện pháp khắc phục để vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải bãi rác Phong Thu (hệ thống này đã được xây dựng nhưng không hoạt động):
Bãi chôn lấp rác Phong Thu có diện tích 16.500 m2, theo thiết kế có sức chứa gần 75.000 m3 được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đã đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, do công nghệ chôn lấp đơn giản (không xử lý hóa chất) nên nước thải từ hố rác chảy ra đập Mụ Phương khi mưa lớn gây ô nhiễm môi trường; trong những ngày trời nắng, mùi hôi từ hố rác lan ra khu vực thôn An Thôn, xã Phong Thu gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã làm việc với các ngành, đơn vị có liên quan ở huyện, UBND xã Phong Thu kiểm tra thực địa, khảo sát hệ thống xử lý nước thải bãi rác Phong Thu. Qua kiểm tra bãi rác Phong Thu đến nay đã sắp đầy rác và hệ thống xử lý nước thải đã bị chôn lấp, không hoạt động được. Đồng thời theo Quyết định số 3491/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh thì phải đóng cửa vào cuối năm 2018. Do đó, trước mắt UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phong Thu tiến hành các biện pháp khơi thông hệ thống xử lý nước thải bãi rác Phong Thu. Về lâu dài, UBND huyện đang nghiên cứu lập dự án để đề xuất UBND tỉnh đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng lò đốt tại khu vực này để thay thế bãi chôn lấp rác Phong Thu, đồng thời tiến hành san lấp bãi chôn lấp rác Phong Thu bằng đất cấp phối đồi theo quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau khi nhà máy xử lý rác thải được đầu tư hoàn thành.
2. Cử tri thôn Đức Phú xã Phong Hòa kiến nghị can thiệp nhà máy Phân lân hữu cơ vi sinh Sông Hương (tại thôn Đức Phú, xã Phong Hòa) phối hợp với nhân dân địa phương trong việc sử dụng nguồn nước tại các hồ chứa (do khai thác than bùn nay đã tạo thành hồ chứa nước) để nhân dân có nguồn nước tưới tiêu đồng ruộng:
Về việc này, UBND huyện đã làm việc với Công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, theo đó Công ty đã thống nhất cho nhân dân sử dụng nguồn nước tại các hồ chứa (do khai thác than bùn nay đã tạo thành hồ chứa nước) để nhân dân có nguồn nước tưới tiêu đồng ruộng. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phong Hòa phối hợp với Công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, các cơ quan có liên quan ở huyện hỗ trợ cho bà con nhân dân lấy nước để phục vụ sản xuất. Đồng thời, Công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế cam kết phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai trong khu vực Công ty sử dụng đất và khai thác khoáng sản than bùn đảm bảo đúng quy định.
3. Cử tri xã Điền Hòa kiến nghị có giải pháp xử lý nước thải ở khu nuôi tôm giữa 2 xã Điền Hòa và Phong Hải:
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các xã Điền Hòa và Phong Hải kiểm tra, khảo sát thực địa. Sau khi kiểm tra nhận thấy tuyến mương dẫn nước thải nuôi tôm chảy theo hướng từ Tỉnh lộ 22 đến bờ biển khu vực giáp ranh 2 xã Phong Hải và Điền Hòa làm sạt lở bờ biển đoạn qua thôn 11, xã Điền Hòa. Xuất phát từ thực tế đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Điền Hòa thực hiện đào mương thoát nước thải, tổ chức trồng cây dứa và đắp bờ để chống sạt lở, ngăn nước thải chảy về khu dân cư thôn 11, xã Điền Hòa (UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để thực hiện). Tuy nhiên, do mương nước thải gần biển và đắp bằng đất nên không bền vững do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, vì vậy UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Điền Hòa, Điền Hải thường xuyên kiểm tra, gia cố và có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Cử tri thôn Vĩnh Hương, xã Phong An kiến nghị kiểm tra việc thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Đông Lâm (nhân dân phát hiện việc thải khói bụi từ 12 giờ đêm tới 1 giờ sáng):
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND xã Phong An, thôn Vĩnh Hương trực tiếp kiểm tra việc thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Đồng Lâm vào lúc 12 giờ đêm tới 01 giờ sáng. Qua kiểm tra nhận thấy không có tình trạng Nhà máy xi măng Đồng Lâm xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khoảng thời gian như cử tri phản ánh. Đồng thời theo kết quả quan trắc môi trường 6 tháng đầu năm 2017 tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, thông số đánh giá chất lượng khí thải tại các điểm quan trắc ống khói nhà máy xi măng Đồng Lâm đều có giá trị đo được đạt quy định theo QCVN 23/2009/BTNMT (có kết quả quan trắc kèm theo).
Mặt khác, hiện nay Nhà máy xi măng Đồng Lâm đã xây dựng hệ thống quan trắc khí thải tự động và đang hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật để kết nối truyền dữ liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Do đó sau khi được kết nối dữ liệu, việc xả khí thải của Nhà máy xi măng Đồng Lâm sẽ được kiểm soát 24/24 giờ hàng ngày, nếu có hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
5. Cử tri xã Phong Xuân và Điền Hương (thôn Trung Đồng) kiến nghị quan tâm đầu tư sớm có nguồn nước sạch sinh hoạt cho nhân dân:
Qua làm việc với Công ty TNHH MTV cấp nước Thừa Thiên Huế, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho xã Phong Xuân sẽ được thực hiện cuối năm 2017, đưa vào sử dụng đầu năm 2018; riêng thôn Trung Đồng của xã Điền Hương, qua khảo sát, vị trí này xa khu trung tâm, suất đầu tư khá lớn nên Công ty TNHH MTV cấp nước Thừa Thiên Huế đang tiến hành lập dự án đầu tư.
6. Cử tri xã Phong Hải kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải ở hai khu nuôi thủy sản tại Phong Hải:
Khu nuôi trồng thủy sản xã Phong Hải có diện tích khoảng 163 ha, trong đó có tiểu khu 5-3 và tiểu khu 5-5. Trong năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo lập dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản xã Phong Hải với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, tuy nhiên do không có kinh phí nên dự án này chưa được triển khai. Riêng tiểu khu 5-3 và tiểu khu 5- 5, tình hình cụ thể như sau:
- Tiểu khu nuôi trồng thủy sản 5-3:
+ Hệ thống đường giao thông: Hiện nay có 03 tuyến đường chính dẫn vào tiểu khu với tổng chiều dài khoảng 600m với hiện trạng nền đường đắp đất cấp phối rộng 5.5 m. Tuy nhiên hiện nay mặt đường bị biến dạng, lầy lội do xe chở thức ăn cho tôm thường xuyên đi vào.
+ Hệ thống thoát nước thải: Đối với tiểu khu 5-3 hiện nay có khoảng 40 hồ nuôi tôm chủ yếu được xây dựng tự phát, rải rác, chưa có quy hoạch chi tiết.
- Tiểu khu nuôi trồng thủy sản 5-5:
+ Hệ thống đường giao thông: Gồm có 01 tuyến đường chính dẫn vào tiểu khu với tổng chiều dài khoảng 400 m với hiện trạng nền đường đất cát tự nhiên chưa được đầu tư.
+ Hệ thống thoát nước thải: Đối với tiểu khu 5-5 hiện nay có 24 hồ nuôi tôm mới đầu tư xây dựng (chưa đưa vào sản xuất). Hệ thống thoát nước thải của tiểu khu này đã được phê duyệt tại Quyết định số 6492/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND huyện Phong Điền về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình hệ thống thoát nước thải nuôi trồng thủy sản trên cát tiểu khu 5-2-1: 5-5 xã Phong Hải với tổng mức đầu tư 6.376.328.000 đồng trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ phần ống nhựa và phụ kiện với tổng gía trị 2.660.085.000 đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp và nguồn huy động khác. Tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa được thi công xây dựng do chưa thu được phần vốn nhân dân đóng góp và nguồn huy đông khác.
Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo:
- Đối với tiểu khu 5-3: Giao phòng Nông nghiệp và PTNT rà soát quy hoạch, hướng dẫn xã Phong Hải tiến hành quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước thải; lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, trong đó có phương án huy động vốn để thực hiện.
- Đối với tiểu khu 5-5: Giao UBND xã Phong Hải tiếp tục huy động các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản để thực hiện cam kết như Quyết định số 6492/QĐ-UBND của UBND huyện.
7. Cử tri xã Điền Hải kiến nghị có biện pháp ngăn chặn việc dùng mìn, dụng cụ kích điện làm hủy diệt môi trường thủy sản trên phá Tam Giang tại khu vực xã Điền Hải:
UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với UBND xã Điền Hải, UBND các xã thuộc huyện Quảng Điền triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức tuần tra, truy bắt các đối tượng sử dụng xung điện, giã cào, dùng mìn... để khai thác thủy sản. Kết quả kiểm tra đã phát hiện, xử lý 03 đối tượng với số tiền 8.000.000 đồng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên, trong thời gian sắp tới UBND huyện chỉ đạo UBND xã Điền Hải tiếp tục phối hợp với Chi hội nghề cá tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các ngư dân thực hiện đúng theo quy định về khai thác thủy sản; chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác tuần tra truy bắt các đối tượng vi phạm về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (đặc biệt là các đối tượng vi phạm nhiều lần), phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương lân cận trên vùng đầm phá trong công tác quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm; chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các ngành có liên quan và UBND xã Điền Hải tăng cường công tác kiểm tra các thuyền khai thác trên địa bàn xã Điền Hải về giấy phép hoạt động, công suất máy, kích cỡ theo đăng ký để xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có vi phạm) nhằm hạn chế việc sử dụng thuyền công suất lớn để hoạt động nghề giã cào.
B. Lĩnh vực văn hóa – xã hội
1. Cử tri xã Phong Hòa kiến nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhà thờ họ Lê Văn (làng Mỹ Xuyên) hiện nay đã bị xuống cấp:
Nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 34 (1881), đây là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống theo phong cách nhà rường dân gian xứ Huế. Công trình này được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (theo Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 29/10/2008 của UBND tỉnh). Ngày 28/9/2017, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND xã Phong Hòa, Ban quản lý di tích nhà thờ họ Lê Văn kiểm tra, khảo sát thực địa. Qua kiểm tra nhận thấy một số hạng mục của công trình nhà thờ họ Lê Văn đã bị xuống cấp trầm trọng, cần phải có nguồn lực để đầu tư sửa chữa cấp thiết.
Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phong Hòa phối hợp với Ban quản lý nhà thờ họ Lê Văn và các cơ quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ thiết kế thi công và dự toán đầu tư trùng tu, tôn tạo công trình gửi UBND huyện xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời UBND huyện đã có văn bản xin chủ trương của UBND tỉnh về việc thỏa thuận quy mô đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích nhà thờ họ Lê Văn. Về nguồn vốn đầu tư trùng tu, tôn tạo công trình: UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh và từ nguồn đóng góp của con cháu trong họ Lê Văn theo quy định.
2. Cử tri xã Phong Hòa kiến nghị quan tâm đầu tư xây dựng nhà truyền thống và trưng bày nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa):
Về vấn đề này, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng nhà trưng bày sản phẩm truyền thống điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên với tổng kinh phí khoảng 4,1 tỷ đồng, trình UBND tỉnh và Sở Tài chính xem xét bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2018.
3. Cử tri xã Phong Bình kiến nghị quan tâm giải quyết nhanh các chế độ đối với người có công cách mạng và các chế độ khác… hiện nay còn tồn đọng nhiều hồ sơ chính sách chưa được giải quyết tại Phòng LĐ-TB&XH huyện:
Về việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND xã Phong Bình kiểm tra, rà soát các hồ sơ chính sách còn tồn đọng. Sau khi kiểm tra, trên địa bàn xã Phong Bình có 13 hồ sơ chính sách còn tồn đọng bao gồm hồ sơ truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng có 10 hồ sơ (trong đó 3 hồ sơ đã chuyển Sở Lao động Thương binh và Xã hội; 4 hồ sơ đã chuyển Công an huyện thẩm tra, xác minh lịch sử chính trị của mẹ; 3 hồ sơ đã trả lại cho UBND xã Phong Bình với lý do chưa tìm được hồ sơ gốc của liệt sĩ tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội và yêu cầu UBND xã Phong Bình bổ sung thông tin để kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trích lục hồ sơ liệt sĩ) và hồ sơ tù đày có 3 hồ sơ hiện đang thẩm tra, xác minh. Ngoài ra từ đầu năm 2017 đến nay, UBND huyện đã nhận được 26 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, trong đó có 18 hồ sơ đã có quyết định trợ cấp thờ cúng, 09 hồ sơ có sai sót nên UBND huyện đã chuyển trả lại cho UBND xã Phong Bình để xác minh, thẩm định, bổ sung đảm bảo theo quy định của pháp luật. Các hồ sơ hiện nay còn tồn đọng chủ yếu do không có giấy tờ theo quy định, hồ sơ gốc lưu trữ tại cấp xã, huyện, tỉnh bị thất lạc; sai sót trong quá trình kê khai hồ sơ trước đây và giấy tờ tùy thân hiện nay nên việc giải quyết hồ sơ còn kéo dài.
Nhằm giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng, UBND huyện đã đề nghị với Sở Lao động Thương binh và Xã hội gửi văn bản đến các tỉnh lân cận (Quảng trị, Quảng Bình) xin trích lục các trường hợp không có hồ sơ, trong trường hợp không tìm được hồ sơ UBND huyện sẽ đề nghị với UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin trích lục hồ sơ liệt sĩ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo Công an huyện khẩn trương tiến hành xác minh các hồ sơ đảm bảo hồ sơ theo yêu cầu; chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn bổ sung, chỉnh sửa các hồ sơ chính sách theo quy định.
4. Cử tri các xã trong huyện kiến nghị quan tâm cho thanh lý các Trường Tiểu học (cơ sở lẻ) hiện không còn sử dụng để cho các thôn tận dụng sửa chữa, nâng cấp làm nhà sinh hoạt cộng đồng thôn:
Về nội dung này, UBND huyện đã làm việc với UBND các xã, Hiệu trường các Trường có liên quan để kiểm tra, rà soát thực tế. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện có 25 cơ sở giáo dục đề nghị thanh lý. Đối chiếu với Quyết định số 2722/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thì trong 25 cơ sở giáo dục nói trên mới chỉ có 13 cơ sở nằm trong danh mục của tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2722/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 342/TTg-V.I ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tạm dừng thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên UBND huyện đã thông tin cho UBND các xã, thị trấn không triển khai thanh lý tài sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, nếu Chính phủ có chủ trương cho phép tiếp tục tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, UBND huyện sẽ tiến hành lập các thủ tục theo quy định để tiến hành thanh lý 13 cơ sở đã được UBND tỉnh thống nhất tại Quyết định số 2722/QĐ-UBND và kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương thanh lý 12 cơ sở chưa được có trong danh mục Quyết định 2722/QĐ-UBND để tiến hành thanh lý theo quy định.