Phần mộ Đặng Huy Trứ được đặt tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền trên một gò đồi cạnh sông Bồ. Đến năm 1927 mới dựng bia. Năm 1930, bà Đặng Thị Sâm (cháu nội ông) đã xây lăng mộ cho ông. Lăng xây theo hình trứng ngỗng, dài 9,5m, rộng 8,6m, cao 0,7m. Năm 1990, ông Đặng Hưng Doanh bỏ tiền xây thêm tấm bia nằm phía ngoài lăng có nội dung: “Mộ Đặng Huy Trứ 1825 -1874 nhà yêu nước, nhà thơ”. Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ của ông.
Di tích Lăng mộ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2307QÐ/VH ngày 30/12/1991.
Tiểu sử Đặng Huy Trứ
Đặng Huy Trứ (tự Hoàng Trung), hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 19 tháng Ba, năm Ất Dậu (26.5.1825). Tổ tiên quê làng Hà Trung, nhập tịch làng Bác Vọng Đông, ngụ ở làng Thanh Lương (nay là phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông tư chất thông minh, 8 tuổi bắt đầu đi học, 18 tuổi đỗ Cử nhân (1843), được tập sự ở Quốc tử giám, vừa đi dạy học kiếm ăn, vừa học. Năm 1847, ông thi hội và thi đình đỗ Tiến sĩ, nhưng bị phát hiện phạm húy, bị phạt đòn và cách tuột cả học vị Cử nhân trước. Ông không nản chí, tiếp tục thi hương lại và đỗ Giải nguyên. Suốt mười năm sau đó, ông phải đi dạy học ở nhiều tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên) để chờ được bổ nhiệm. Đến 1856, mới được cử đi quân thứ và chính thức ra làm quan, qua các chức Thông phán ở Ty bố chánh Thanh Hóa, Trị huyện Quảng Xương, Trị phủ Xuân Trường, Ngự sử, Bố chánh Quảng Nam, Biện lý bộ Hộ, Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, Khâm phái thương biện quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên, Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái… Đã mấy lần ông được cử đi công cán sang Trung Quốc, có lần còn phải cải trang thành người Thanh, sang Áo Môn, Hương Cảng để do thám tình hình. Làm quan, ông không tự cho mình là cha mẹ dân, mà lại nhận là “thứ dân chỉ tử ”, tức là con của người thường dân, bởi thế ông thường tâm niệm: “Dân không chăm sóc, chớ làm quan”. Suốt đời ông nêu tấm gương tận tụy với việc dân, việc nước, không nề hà bất cứ một công việc khó nhọc nào, sẵn sàng học hỏi, tìm mọi cách để lo cho dân giàu, nước mạnh. Ông kiên quyết trừng trị bọn tham quan ô lại, khuyến khích sản xuất, cố gắng cải thiện đời sống cho dân và còn lo lập nghĩa trang để thu nhặt những hài cốt vô thừa nhận về chôn cất tử tế. Đặng Huy Trứ còn là một nhà nho tiên tiến, dám chống lại những đầu óc thủ cựu, luôn tìm tòi hướng đi mới trong cách trị dân, hưng quốc. Ông sớm thấy vai trò của công thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nên mạnh dạn đứng ra tổ chức các ngành nghề thủ công, khuyến khích sản xuất, mở hiệu buôn, mở rộng việc lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Ông lập Cục cơ khí, khai mỏ, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc, tổ chức dạy nghề, mời cả chuyên gia nước ngoài giảng dạy kỹ thuật. Sau này, Phan Bội Châu đã xem ông như người “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Khi thực dân Pháp xâm lược đất nước, đang còn là một viên quan tập sự, ông đã thể hiện ý chí quyết chiến của mình, sẵn sàng đứng vào mặt trận chống giặc để bảo vệ Tổ quốc. Ông theo Hoàng Kế Viêm đi thử pháo, dâng đối sách lên nhà vua mong sớm trừ được giặc Tây, phản đối biện pháp thương thuyết, phản đối cầu viện nước ngoài. Khi Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ thất thủ lần thứ nhất, ông đang làm Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái đã rút về căn cứ Đồn Vàng cùng Hoàng Kế Viêm đánh trả quân Pháp xâm lược một cách quyết liệt. Không bao lâu sau, ông bị bệnh nặng và mất tại đó, ngày 25 tháng Sáu năm Giáp Tuất (7/8/1874).
Người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam
Ở tuổi 18 vào năm 1843, Đặng Huy Trứ trúng tuyển cử nhân. Bốn năm sau, ông đỗ tiến sĩ hạng thứ 7 trong kỳ thi Hội đầu năm 1847. Năm sau, bài văn Đặng Huy Trứ bị phạm húy trong thi Đình nên bị truất cả tiến sĩ lẫn cử nhân. Tuy nhiên, khi triều đình khai ân khoa thi Hương nhân dịp mừng vua Thiệu Trị 40 tuổi, không ai khác Đặng Huy Trứ đỗ đầu kỳ thi này gọi là Giải nguyên năm 22 tuổi. Chưa được bổ nhiệm làm quan, gần chục năm ông mở trường dạy học nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Trong vòng 8 năm 1857-1864, Đặng Huy Trứ được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ. Năm 1865, Đặng Huy Trứ được triều đình phái sang Quảng Đông “Thám phỏng dương tình” (nghe ngóng thái độ của các nước phương Tây đối với ta). Một năm sau trở về nước, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Năm 1867, lần thứ 2 triều đình lại cử ông sang Quảng Đông, không may lần này bị bệnh nặng. Đau đáu với Tổ quốc, ông nghĩ người Việt cần phải “tự cường tự trị” như các nước tiên tiến. Đặng Huy Trứ còn tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, cách chụp, in tráng và nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh.
Khi có kiến thức sơ đẳng nhiếp ảnh, năm 1869 về nước ông mở ngay hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Triết lý nhiếp ảnh của Đặng Huy Trứ thể hiện rõ qua 2 câu đối ở của hàng: “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường” - tạm dịch: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”; và “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”. Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch nghĩa là: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.
Trong hội thảo khoa học về danh nhân Đặng Huy Trứ lần thứ 2 (tháng 3/2018), tại làng Thanh Lương, với tiêu đề: “Đặng Huy Trứ - Người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam” thống nhất ghi nhận: Đặng Huy Trứ với tầm nhìn xa trông rộng đã nhận thức ra phát minh vĩ đại của kỹ thuật nhiếp ảnh thế giới, với tư tưởng “canh tân đất nước” đưa nghề ảnh mới lạ về Việt Nam trong bối cảnh sự hiểu biết khoa học của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời còn rất nhiều hạn chế; đồng thời khẳng định Đặng Huy Trứ là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng, làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành nhiếp ảnh sau Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.
Nhà chiến lược quân sự
Thiên bẩm trở thành nhà chiến lược quân sự được phát lộ từ khi Đặng Huy Trứ lên 9 tuổi, ông đã được nghe kể về mưu lược của 7 nhà quân sự lớn đã để lại 7 bộ binh thư: “Tôn Tử”, “Ngô Tử”, “Lục Thao”, “Tư Mã Pháp”, “Hoàng Thạch Công tam lược”, “Quý Liên tử”, “Lý Vệ Công vấn đối”… Năm 1854 (29 tuổi), khi còn dạy học ở Quảng Nam được xem cuốn sách “Vũ kinh thất thư” ông đã biên soạn lại và chú thích công phu. Ông nghĩ rằng dù là quan văn cũng không thể không biết những kiến thức về quân sự: “Xưa nay thiếu gì những thư sinh phá giặc trừ gian, xông pha nơi trận mạc, liều lĩnh giữa hòn tên mũi đạn. Thiếu gì những nhà Nho ngồi trước chén rượu mâm cơm mà lòng vẫn nghĩ đến chuyện chế ngự kẻ thù, mặc áo cừu mang cân đai mà lòng vẫn lo điều binh khiển tướng”.
Sau này, ông vẫn tiếp tục sưu tầm những sách quân sự. Năm 1869, ông thành lập nhà in “Chí Trung Đường” ở phố Thanh Hà (Hà Nội) và cho in 2 cuốn binh thư là: “Ký sự tân biên” của Lương Huy Bích viết dưới thời Tây Sơn và cuốn binh thư của Trung Quốc tên là “Kim thang tá chử Thập nhị trù”. Ông gửi sách biếu các bạn bè. Trong thư biếu sách gửi lên Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Hành, ông viết: “Bốn phương giặc giã đó là cái nhục của Khanh đại phu. Muốn rửa nhục này không thể không đọc binh thư”.
Năm 1869, Đặng Huy Trứ được điều sang làm Thương biện quân sự ở Sơn Hưng Tuyên, ông đã vận dụng kiến thức quân sự của mình để giúp Ông Ích Khiêm và Hoàng Kế Viêm trong việc thành lập đội quân mới và xây dựng tiết chế về kỷ luật trong quân đội.
Vừa làm kinh tế, vừa hoạt động văn hóa, vừa nghiên cứu chiến lược quân sự, truyền bá kinh nghiệm quân sự và khích lệ lòng yêu nước trong sĩ phu và dân chúng… Ông đã thực sự trở thành nhà chiến lược quân sự.
Nhà kinh tế năng động
Cùng với việc xây dựng quân đội, ông là người đặt vấn đề kinh tế và khoa học kỹ thuật ở một vị trí có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Quan điểm tiến bộ này của ông càng được củng cố khi ông được phái đi Quảng Đông và tiếp xúc với những điều mới lạ của nền văn minh phương Tây bắt đầu du nhập vào Trung Quốc.
Tình hình kinh tế và tài chính của nước ta lúc đó đang trong tình trạng nguy ngập. Sau khi mất 6 tỉnh Nam Kỳ, số dân đóng thuế giảm hẳn 1/3. Trước đây, trên địa bàn cả nước có 60 địa điểm xuất nhập khẩu, năm 1851 chỉ còn 20 điểm. Năm 1859, số người chết vì đói kém, ôn dịch lên đến 600.000 người.
Trước tình hình sản xuất thấp kém và đời sống khó khăn như thế, Đặng Huy Trứ thấy nhu cầu cấp thiết của đất nước là phải phát triển thương mại và nông nghiệp, đẩy mạnh việc khai mỏ, cải tiến hệ thống giao thông vận tải. Ông dự kiến: nếu tích cực trong 10 năm, thì có thể làm giàu cho đất nước và có đủ cơ sở vật chất để thắng giặc.
Đánh giá cao vai trò của thương nghiệp, ông tình nguyện nhận lấy “nghề mạt” (nghề bị coi rẻ trong xã hội cũ) là đi buôn để làm giàu cho đất nước. Trong tờ sớ tâu lên nhà vua, ông viết: “Gia đình tôi là gia đình nhà Nho đã 4, 5 đời rồi, nghề buôn bán dầu là nghề mạt, nhưng chịu ơn nước và tự xét mình, xin đưa khả năng khuyển mã ra báo đáp, đảm nhận việc tài chính quốc gia, sớm tối lo toan, chạy khắp Đông Tây, dẫu thịt nát xương tan không từ nan”. Đó là vào thời điểm 1866. Cũng trong năm 1866, ông được phép thành lập một cơ quan kinh tế và thương mại lấy tên là “Bình chuẩn sứ”. Ông cho mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như: Lạc Sinh điếm, Lạc Thanh điếm, Lạc Đức điếm. Ông tổ chức việc lưu thông hàng hóa ở các miền trong nước. Cơ quan chỉ đạo đặt ở Hà Nội nhưng hoạt động mở rộng đến tận các tỉnh Quảng Nam (miền Trung), Vĩnh Long, Gia Định (miền Nam)…
Để phát triển thủ công nghiệp, ông tổ chức các hộ sản xuất riêng lẻ theo ngành nghề và cho các hộ này vay vốn trước để mua nguyên liệu rồi khuyến khích họ bán hàng cho Nhà nước.
Làm công việc buôn bán, hàng ngày tiếp xúc với một số lượng lớn về tiền và hàng, nếu không giữ được phẩm chất liêm chính thì sẽ không tránh khỏi những việc tham ô, biển thủ của công thành của tư. Những tên do ông đặt cho các hiệu buôn như: Lạc Sinh, Lạc Thanh, Lạc Đức cũng đã nói lên sự quan tâm của ông đối với vấn đề đạo đức thanh liêm trong việc buôn bán như thế nào.
Ông coi việc làm giàu là một đạo đức lớn không thể xem khinh. Bỏ vốn ra cùng Nhà nước kinh doanh thì sẽ cũng được chia lợi. Ngay từ thời đó, ông đã nhìn ra vai trò của tư nhân cùng với Nhà nước theo phương châm: “Công tư lưỡng lợi” do ông đề ra. Làm giàu là chính đáng nhưng chớ ham mà xâm phạm của công. Nghĩ đến lợi nhưng phải nghĩ đến tiếng thơm vì “danh lợi xưa nay khôn vẹn cả”.
Tư tưởng kinh tế của Đặng Huy Trứ quả thực đã đi trước thời đại và giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay và ông được xem như là một nhà chiến lược kinh tế năng động, một doanh nhân văn hóa bậc cao ở thế kỷ XIX.
Từ nhận thức đến hành động, Đặng Huy Trứ nêu tấm gương liêm khiết, tích cực chống tham nhũng, đó là những ngày được bổ nhiệm làm quan triều Nguyễn điều hành kinh tế và đương nhiên ông trở thành nhà chiến lược kinh tế năng động.
Nhà thơ lớn cuối thế kỷ XIX
Làm thơ từ năm 18 tuổi (1843), Đặng Huy Trứ đã thi đỗ cử nhân và trong vòng một năm ông đã làm tới 130 bài thơ chữ Hán. Đương thời được triều đình nhà Nguyễn đánh giá là xuất sắc. Vừa hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cho đến cuối đời ông đã để lại trên dưới 2.000 bài thơ và áng văn xuôi.
Đặng Huy Trứ không những được đánh giá cao ở trong nước mà khá nhiều danh sĩ, học giả uyên bác của Trung Quốc đương thời cũng nhìn nhận ông một cách trân trọng, đánh giá ông như một siêu nhân qua ngọn bút của các văn nhân và sĩ phu như: La Nghiên Cù (văn nhân -1865), Đoàn Hữu Trưng (1866), Trương Tương Phố (1868 - văn nhân); Vương Phúc Thuận (sĩ phu -1868), Diệp Đề Tân (sĩ phu), Lý Tích Bồi (văn nhân -1868)…
Tên tuổi và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ đâu chỉ gắn với nhiếp ảnh. Thời gian ở Hà Nội, ông còn biên dịch tài liệu của Anh Quốc về cách chế tạo tầu thủy chạy bằng hơi nước, mở cửa hàng bán sách, lập nhà in xuất bản sách và mở cửa hàng buôn bán kiếm lời, giúp kinh phí cho nghĩa quân Triều Nguyễn. Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, cũng là lúc Đặng Huy Trứ rút khỏi Hà Nội lên Đồn Vàng (Hưng Hóa) cùng với lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Kế Viêm chống Pháp. Từ đây, sự mất còn của hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” vì đã đóng cửa hoặc nhượng lại cho một chủ nhân khác. Năm Giáp Tuất (1874), Đặng Huy Trứ mất tại Đồn Vàng - Hưng Hóa và thi hài được nghĩa quân đưa về quê hương an táng.
Cho đến hôm nay, sự đánh giá về Đặng Huy Trứ vẫn hết sức được trân trọng: “…Đặng Huy Trứ nổi lên như một nhà thơ xuất sắc, một học giả uyên thâm, một chiến sĩ đấu tranh đến cùng cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời của Đặng Huy Trứ là sự phát triển đầy đủ của cả Nhân, Trí, Dũng, là những đức tính hoàn chỉnh của người trí thức chân chính”.