Tìm kiếm

TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đình Hiền Sỹ - Địa chỉ đỏ ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu
Ngày cập nhật 14/09/2023
Tổng quan làng Hiền Sỹ

Đình Hiền Sỹ thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 25km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm thành phố Huế, với phương tiện xe máy hoặc ôtô theo đường Quốc lộ 1A ra hướng Bắc đến cầu An Lỗ (khoảng 20km), rẽ trái theo tỉnh lộ 11B đi khoảng 5km là đến di tích. Di tích đình làng Hiền Sỹ là “địa chỉ đỏ” trong lịch sử đấu tranh của huyện Phong Điền. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa cổ của dân tộc và vùng đất Thuận Hóa. Ngôi đình cũng là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý hiếm từ nhiều đời vua Nguyễn. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử, văn hóa.

 

Quá trình hình thành làng Hiền Sỹ

Hiền Sỹ là một trong những làng được hình thành tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Theo sách“Ô châu cận lục”của Dương Văn An (viết vào năm 1553), dưới thời nhà Mạc làng đã có tên là Hiền Sỹ, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa với lời bình: “Hiền Sỹ phong lưu”.

Đến thời các Chúa Nguyễn, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (viết năm 1776) thì làng Hiền Sỹ thuộc tổng Phù Ninh, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong. Năm 1835, vua Minh Mạng đặt thêm 3 huyện mới là: Hương Thủy, Phong Điền và Phú Lộc thì làng Hiền Sỹ thuộc tổng Phù Ninh, huyện Phong Điền, được tách ra từ huyện Quảng Điền, nhập vào huyện Phong Điền. Dưới thời Pháp thuộc, làng Hiền Sỹ thuộc tổng Phù Ninh huyện Phong Điền.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, theo Sắc lệnh số 63/SL ngày  22/11/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương tỉnh Thừa Thiên tiến hành giải thể các cấp tổng để thành lập cấp xã, là cấp hành chính ở cơ sở thống nhất trên toàn quốc. Huyện Phong Điền là 1 trong 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên, từ 5 tổng tổ chức lại thành 9 xã là: Phong Thái (tổng Phò Ninh cũ); Phong Dinh, Phong Lâu, Phong Thu (tổng Phò Trạch cũ); Phong Nhiêu (tổng Hiền Lương cũ); Phong Hải và Phong Khánh (tổng Chánh Lộc cũ); Phong Phú và Phong Thạnh (thuộc tổng Vĩnh Xương cũ).

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954), nước ta tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị xã hội khác nhau, làng Hiền Sỹ lúc này thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Ngày 20/4/1956, Thủ hiến Trung Việt của chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 711/NĐ/PC thành lập các đơn vị hành chính ở Thừa Thiên, trong đó có quận Phong Điền. Quận Phong Điền lúc này gồm 9 xã: Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền, Phong Nguyên, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Lộc, Phong Hải và Phong Hương.

Tiếp đến, ngày 17/5/1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 214HV/P6/NĐ, tổ chức lại hệ thống hành chính tỉnh Thừa Thiên, tỉnh lỵ đóng tại Huế. Quận Phong Điền chia thành hai quận: Quận Phong Điền và quận Hương Điền. Quận Phong Điền gồm 7 xã: Phong Sơn, Phong An, Phong Hiền, Phong Nguyên, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Lộc; Làng Hiền Sỹ thuộc xã Phong An.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), huyện Phong Điền (bao gồm các xã trước đây chuyển cho quận Hương Điền) thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế; từ tháng 5/1976 đến 3/1989 thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 3/1977, huyện Phong Điền cùng với hai huyện Hương Trà và Quảng Điền hợp nhất thành huyện Hương Điền. Ngày 18/5/1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 187/CP, thành lập ở khu kinh tế Ồ Ồ thành một xã mới, lấy tên là xã Phong Xuân. Địa bàn xã Phong Sơn có sự điều chỉnh: các thôn Cổ Xuân, Hiền An được nhập vào xã Phong Xuân, còn hai thôn Đông Dạ, Hiền Sỹ của xã Phong An được nhập vào xã Phong Sơn, làng Hiền Sỹ thuộc xã Phong Sơn, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên. Từ năm 1981 đến nay, tên gọi và địa giới làng Hiền Sỹ không có gì thay đổi,  làng vẫn thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về nguồn gốc cư dân, theo Địa chí Phong Điền, địa bàn huyện Phong Điền hiện nay (trong đó có làng Hiền Sỹ) là nơi cư trú của các cộng đồng dân cư thuộc Vương quốc Chăm Pa. Sau sự kiện công chúa Huyền Trân kết hôn cùng vua Chế Mân (1307) hai châu Ô, Lý được vua Chăm Pa dâng làm sính lễ và nhập vào lãnh thổ Đại Việt, thì việc di dân của người Việt vào vùng đất mới này chính thức bắt đầu. Dưới thời nhà Hồ (1400-1407) cùng với việc sửa chữa đường Thiên Lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) vào Hóa Châu (năm 1402) và mở rộng biên cương phía Nam của Đại Việt đến tận phía Bắc Quảng Ngãi, việc di dân trở nên thuận lợi và phát triển mạnh hơn. Năm 1403 (niên hiệu Khai Đại thứ nhất nhà Hồ), cửa Eo (cửa Thuận An ngày nay) bị vỡ, nhà Hồ đưa quân lính vào đắp chặn và gia cố lại, từ đó nhiều người đã ở lại vùng đất này xây dựng quê hương mới, trong đó có làng Hiền Sỹ.

Trên địa bàn huyện Phong Điền, ngay từ đầu thế kỷ XV, một số người dân từ vùng đồng bằng Thanh - Nghệ đã đến tụ cư lập làng. Vùng đất tụ cư ban đầu của họ là những bãi đất phù sa được bồi tụ dọc theo các con sông Ô Lâu, sông Bồ và cả ven đầm phá Tam Giang. Đến cuối thế kỷ XV, trên địa bàn huyện đã có 24 làng người Việt đến định cư và làng Hiền Sỹ là một trong số đó.

Theo văn tế của làng, cũng như trong gia phả các họ tộc đều có ghi “Bổn thổ Triệu khai” nghĩa là triệu tập nhân sĩ đến vùng đất này để cùng chí hướng khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Địa bàn của làng nằm ở vùng trung du, người dân làng Hiền Sỹ từ bao đời nay sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với nền kinh tế tự cung, tự cấp. Ngoài ra, dân làng còn có một số nghề thủ công như: chằm nón, thợ mộc, thợ nề, trồng hoa cây cảnh… để cải thiện đời sống trong những lúc nông nhàn, trái vụ. Trong sách “Đồng Khánh địa dư chí”, mục nói về sản vật của huyện Phong Điền đã viết: “Hiền Sỹ dệt lụa sinh quyến (thưa và mỏng)”, nhưng nay không còn thấy nhắc đến nữa.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, người dân làng Hiền Sỹ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo cần cù tinh thần hiếu học. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều thế hệ con em của dân làng đã không tiếc máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước và quê hương. Tên tuổi của họ mãi mãi được dân làng vinh danh như: ông Hoàng Công Vận, Phạm Oanh, Phạm Tế… Những tấm gương cao cả đó là biểu tượng và niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Quá trình hình thành đình Hiền Sỹ

Cùng với quá trình hình thành làng, hệ thống các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu làng... cũng lần lượt ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân khi đến một vùng đất mới và được xem như là nơi an dân, thu phục nhân tâm; là điểm kết nối quá khứ và hiện tại, nơi gửi gắm những mong ước“mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an” cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc của mỗi người dân. Các công trình này dù lớn hay nhỏ, cũng là thành tựu về di sản văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân, đồng thời là kết quả sự đóng góp chung của cộng đồng cư dân từ những buổi đầu mới thành lập làng. Đình Hiền Sỹ là một trong số những công trình kiến trúc quan trọng đó.

Qua nghiên cứu khảo sát thực tế tại di tích, cũng như nghiên cứu các tài liệu lưu tại làng, cũng chưa xác định được thời điểm xây dựng đình, nhưng theo phong tục, tập quán của cư dân Việt ở vùng đất mới, đình thường được xây dựng ngay sau khi làng được thành lập, quy mô và vật liệu xây dựng qua mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của dân làng. Ban đầu đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây dựng bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói liệt. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Lần trùng tu sửa chữa lớn nhất là vào năm 1846 (Thiệu Trị năm thứ 6), đình được xây theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái bằng gỗ quý, có các họa tiết hoa văn, tứ quý (long, lân, quy, phụng), long mã phụ đồ, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến… đều được chạm trổ rất công phu; các hương án, bệ thờ, câu đối, tán lọng, tam sự đầy đủ, uy nghi, xứng đáng là công trình văn hóa tiêu biểu và niềm tự hào của dân làng Hiền Sỹ.

Đến năm 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ, đình bị tháo dỡ, các đồ thờ cúng được gửi trong nhân dân. Tuy nhiên, do chiến tranh ác liệt nên hầu hết các đồ thờ cúng một số thì bị mất, số còn lại thì bị hư hỏng. Năm 1956, dân làng Hiền Sỹ dựng lại đình bằng tranh tre; năm 1963, đình bị cháy chỉ còn nền đất. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), đình được xây dựng lại trên nền đất cũ nhưng được một thời gian thì đã xuống cấp và hư hỏng nặng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2010, đình được đầu tư trùng tu bởi Hội đồng tộc trưởng và con dân trong làng, cùng với sự quan tâm hổ trợ của chính quyền địa phương. Đình được xây ngay trên nền đất cũ bằng chất liệu bê tông giả gỗ nhưng vẫn giữ mô-típ theo lối kiến trúc xưa, mang dáng dấp của một ngôi đình xứ Huế.

Đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân Hiền Sỹ vẫn không chùn bước, vươn lên để sinh tồn và phát triển. Trên mảnh đất đầy khó khăn này, đã có biết bao lớp lớp thế hệ con dân trong làng đổ mồ hôi, xương máu để chiến đấu, xây dựng, bảo vệ cho quê hương; duy trì, kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của làng. Người dân Hiền Sỹ từ bao đời nay sống chịu thương, chịu khó, chân thật, nghĩa tình, đùm bọc, yêu thương nhau trong tình làng nghĩa xóm.

Đại Lễ kỳ phước thể hiện lòng tri ân, tưởng niệm các ngài khai canh và cầu xin ban phước lộc đến cho con dân

Theo chiều dài lịch sử, huyện Phong Điền (trong đó có làng Hiền Sỹ) luôn giữ một vị trí địa lý quan trọng. Khi còn là bộ phận lãnh thổ của châu Hóa dưới thời Trần - Hồ và các triều đại đầu nhà Lê, nơi đây nằm trong vùng “phên dậu” thứ tư về phía Nam của Đại Việt. Đến thời Chúa Nguyễn, đây vừa là nơi làm cầu nối để tiến hành các cuộc di dân mở rộng lãnh thổ về phía Nam, vừa là nơi để thực hiện đường lối độc lập, tách khỏi sự lệ thuộc vào Đàng Ngoài. Khi Phú Xuân trở thành Kinh đô của triều Tây Sơn và sau đó là triều Nguyễn, vùng đất này trở thành cửa ngõ phía Bắc của Kinh thành Huế, bảo vệ vùng ngoại vi của trung tâm chính trị quân sự của triều Nguyễn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất này là chiến trường, nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Một số sự kiện lịch sử tiêu biểu diễn ra tại đình Hiền Sỹ

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người dân làng Hiền Sỹ đã tụ nghĩa dưới trướng của các tướng lĩnh tài ba có tinh thần yêu nước để bảo vệ quê hương, nổi bật nhất là công cuộc phòng thủ cửa biển Thuận An (1883) và cuộc tấn công quân Pháp vào ngày 5/7/1885 (23/5 năm Ất Dậu) mà lịch sử gọi là sự kiện “thất thủ Kinh đô”. Trong sự kiện này, có ông Hoàng Công Vận - một con dân của làng Hiền Sỹ làm lính cận vệ, phò vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở trong phong trào Cần Vương. Đến đầu thế kỷ XX, khi phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng ở Huế phát triển rầm rộ; với cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên, Trần Cao Vân, phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Trung kỳ ở phía Nam thành phố Huế; rồi phong trào đấu tranh đòi để tang Cụ Phan Chu Trinh, ân xá Cụ Phan Bội Châu… đã có những ảnh hưởng và tác động rất lớn đến nhân dân làng Hiền Sỹ. Trong khoảng thời gian từ năm 1925 - 1930, nhóm thanh niên làng Hiền Sỹ như Hoàng Anh, Phạm Tế, Trần Lưu, Hoàng Thái đã giác ngộ cách mạng, vào Huế gặp Cụ Phan Bội Châu và Cụ Huỳnh Thúc Kháng để tìm con đường cứu nước.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (02/1930), nhóm thanh niên Hiền Sỹ đã tích cực hoạt động và liên lạc với các tổ chức cách mạng ở địa phương; như Chi bộ Đảng ở phía Bắc Phong Điền (Phước Tích), Chi bộ Đảng ở Quảng Trị để chuẩn bị bước vào một thời kỳ đấu tranh với những mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Trong khoảng thời gian từ năm 1933-1937, đình Hiền Sỹ là một trong những địa điểm sinh hoạt của nhóm “Thanh niên Sông Bồ”. Với danh nghĩa là đội bóng đá, hội đọc sách hoặc nhóm học đàn… Nhóm “Thanh niên Sông Bồ”, đã tập hợp được khá nhiều thanh niên ưu tú các làng Cổ Bi, Hiền Sỹ, Đông Dạ, Phù Ninh và Thượng An tích cực tham gia các hoạt động yêu nước như: lãnh đạo nông dân chống hãng dầu tràm F.I.A của Pháp, buộc chúng phải mua cây tràm của dân; đấu tranh chống cường hào chiếm ruộng đất công, chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tuyên truyền, tổ chức nhân dân tham gia cuộc vận động đón Gô-đa. Những thành viên sáng lập nhóm là: Phạm Oanh, Phạm Tế (người làng Hiền Sỹ), Hoàng Anh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi sau đó tập hợp, phát triển lực lượng, thành lập Chi bộ Đảng tại địa phương (Chi bộ Nam Phong Điền). Đây những là hạt nhân quan trọng, lực lượng nòng cốt để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương và của huyện Phong Điền sau này.

Năm 1940, tình hình cách mạng ở trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển quan trọng, sau khi từ nhà tù Buôn Ma Thuột vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh ở đầm Vĩnh Tu, huyện Quảng Điền (7/1942) để triển khai Nghị quyết VIII của Trung ương Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).

Giữa năm 1944, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị mở rộng (tại ngã ba Sình) bàn vấn đề thống nhất hành động, phát triển tổ chức Việt Minh và đội tự vệ, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, phát động phong trào đấu tranh của nhân dân… Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, chi bộ Nam Phong Điền đã khẩn trương xây dựng các lực lượng cách mạng trong huyện, chuẩn bị thế và lực cho tình hình mới.

Ngày 23/5/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Hội nghị đã thảo luận và quán triệt Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình cụ thể của địa phương, Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến; đồng thời ra Nghị quyết và công tác chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh, lấy bí danh là “Việt Minh Nguyễn Tri Phương”. Đây là Hội nghị lịch sử, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, có tính chất quyết định đối với phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị, giữa tháng 6/1945, cán bộ toàn huyện Phong Điền họp tại đình Hiền Sỹ để thành lập Việt Minh huyện, lấy bí danh là “Việt Minh Trường Sơn”. Việc thành lập Việt Minh huyện là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của huyện Phong Điền. Sau cuộc họp, công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương được tiến hành khẩn trương, gấp rút. Các tổ chức Việt Minh ở các làng, các tổng được thành lập. Dưới sự tuyên truyền, lãnh đạo của Đảng, người dân trong các làng, xã ở huyện Phong Điền tích cực tham gia các tổ chức Cứu quốc ủng hộ Việt Minh, như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc… Lực lượng tự vệ cứu quốc ở các làng được thành lập và tích cực tập luyện với vũ khí tự tạo như gươm, giáo, mã tấu, gậy gộc… sẵn sàng tham gia Việt Minh, giành chính quyền và bảo vệ cách mạng.

Ngày 18/8/1945, người dân làng Hiền Sỹ cùng với nhân dân trong 2 tổng Phò Ninh và tổng Hiền Lương trang bị vũ khí thô sơ, giương cao băng cờ, khẩu hiệu kéo về các làng và 2 tổng tịch thu con dấu, sổ sách, đồng thời tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân. Ngày 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa huy động nhân dân các tổng còn lại giành chính quyền. Chỉ trong vòng 2 ngày, khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trong toàn huyện. Như vậy, cùng với huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền trở thành một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên giành chính quyền trong tỉnh, xóa bỏ chế độ cai trị của đế quốc, phong kiến ở cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân.

Sau ngày Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 ở Huế thắng lợi, một nhóm 6 sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sỹ với âm mưu do thám tình hình, móc nối với số lính Pháp và các tổ chức Việt gian ở Huế, chuẩn bị cho mưu đồ trở lại xâm lược nước ta. Ngày 29/8/1945, chúng đã bị các học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế tổ chức bắt gọn.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với nhân dân cả nước, lần đầu tiên sau hơn 80 năm đô hộ của thực dân, đế quốc, người dân làng Hiền Sỹ đã thật sự làm chủ đời mình, làm chủ quê hương, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ về thực hành tiết kiệm để xây dựng dựng “Quỹ Độc lập”, tại đình Hiền Sỹ, nhiều gia đình và cá nhân trong làng đã tự nguyện đóng góp cho cách mạng những kỷ vật quý giá trong “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” . Bộ lư đồng của đình Hiền Sỹ cũng được dân làng đóng góp nhằm góp phần giúp Chính phủ giải quyết những khó khăn về tài chính trong những ngày đầu thành lập.

Trong những ngày này, đình Hiền Sỹ trở thành điểm hội họp của nhân dân trong làng để nghe phổ biến các chính sách, chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ; là điểm sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể trong làng đấu tranh với những tệ nạn mê tín dị đoan, rượu chè, đồng bóng, nhằm xây dựng đời sống mới. Ngày 8/9/1945, Chính phủ phát động phong trào xóa nạn mù chữ, hưởng ứng phong trào này, đình Hiền Sỹ được dùng làm nơi tổ chức các lớp “bình dân học vụ” học chữ quốc ngữ của đông đảo tầng lớp nhân dân. Một không khí vui tươi, phấn khởi, lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước bao trùm khắp nơi trong thôn xóm.

Trong khi nhân dân ta đang xây dựng cuộc sống mới, thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước một ta lần nữa, nhân dân Hiền Sỹ cùng nhân dân cả nước tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới. Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), hai giờ rưỡi sáng ngày 20/12/1946 cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên chống thực dân Pháp bắt đầu. Sau 50 ngày đêm bao vây và đánh địch ở thành phố Huế, đầu tháng 02/1947, Ủy ban hành chính Tỉnh rút về làng Hiền Sỹ và một số làng lân cận. Đình Hiền Sỹ là một trong những điểm dừng chân làm việc và hội họp của các cơ quan lãnh đạo tỉnh. Trước đó, giữa năm 1946, do tình hình ở Huế ngày càng phức tạp, nhận thấy Cơ sở in bạc trong thành phố Huế không còn an toàn, cấp trên đã quyết định dời Cơ quan ấn loát Tài chính Trung bộ ở Nhà in Ngô Tử Hạ (đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế) ra làng Hiền Sỹ. Trước sự càn quét ráo riết của thực dân Pháp, để bảo toàn lực lượng thực hiện kháng chiến lâu dài, lực lượng kháng chiến đã rút lên Chiến khu Hòa Mỹ. Như vậy, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, làng Hiền Sỹ nói chung và đình Hiền Sỹ nói riêng là nơi tập trung, trung chuyển của các cơ quan đầu não tỉnh cùng với nhân lực, vật lực trước khi chuyển lên Chiến khu Hòa Mỹ. Cũng trong thời gian này, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ, dân làng đã hủy ngôi đình, để không cho kẻ thù dùng làm nơi đóng quân, lập đồn bốt tấn công cách mạng.

Sau hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), cùng với nhân dân cả nước, người dân Hiền Sỹ bước vào một cuộc chiến đấu mới chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai. Địa bàn xã Phong Thái (Phong Sơn, Phong An) là nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho kháng chiến, điểm đứng chân của các cơ quan đầu não của Tỉnh ủy, huyện ủy Phong Điền để lãnh chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các địa phương trong toàn tỉnh. Chính vì vậy, nơi đây trở thành vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Năm 1965, địch tuyên bố đặt 3 xã Phong Sơn, Phong An và Phong Nguyên trong tình trạng tự do bắn phá, nhiều làng quê (trong đó có Hiền Sỹ) bị chúng cày ủi, san bằng thành một vùng trắng, hòng đánh bật lực lượng kháng chiến ra khỏi nhân dân theo kiểu “Tát nước bắt cá” làm đời sống của cán bộ và nhân dân ta gặp vô cùng khó khăn vất vả. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định thành lập đơn vị diệt Mỹ và vành đai diệt Mỹ. Huyện Phong Điền thành lập vành đai diệt Mỹ: Sơn - An - Nguyên gồm 3 xã (Phong Sơn, Phong An, Phong Nguyên) nằm dọc chân núi Trường Sơn và phía Tây Quốc lộ 1A từ Bắc sông Bồ đến Nam sông Mỹ Chánh. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang đã phối hợp với dân quân du kích 3 xã ở vành đai Sơn - An - Nguyên, tổ chức phục kích, đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy một lượng lớn phương tiện chiến tranh của chúng, thực hiện được mục tiêu đề ra là giam chân, chia cắt địch, bảo vệ căn cứ địa cách mạng của tỉnh, huyện và Khu ủy Trị Thiên Huế, xã Phong Sơn được Khu ủy đánh giá là “Pháo đài vững chắc của xã Giải phóng”.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù gặp khó khăn, thiếu thốn, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, người dân làng Hiền Sỹ vẫn một lòng theo Đảng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng

Hàng năm, ở đình thường diễn ra rất nhiều hoạt động tế lễ của làng, nhưng nay chỉ còn hai hoạt động tế lễ lớn: Lễ Khai hạ - Kỳ yên - Minh niên, Tảo mộ cô hồn (mồng 7 tháng giêng âm lịch) và Lễ Kỳ phước (Tiên thường và Chánh tế, ngày 15 - 16 tháng 6 âm lịch). Đó là những ngày lễ lớn của làng, bà con đi làm ăn xa có dịp trở về tề tựu để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân, những người có công với làng, cùng ngồi quây quần bên nhau ôn lại những thuyền thống tốt đẹp của làng, chung tay góp sức gìn giữ bảo tồn thuần phong mỹ tục, xây dựng làng ngày một khang trang hơn.

Ngoài ra, vào những ngày lễ lớn của dân tộc như: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; Giải phóng Thừa Thiên Huế 26/3; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; ngày Thương binh liệt sỹ 27/7; ngày Quốc khánh 2/9… dân làng cùng với chính quyền địa phương tổ chức dâng hương, dâng hoa ở Nhà bia để tỏ lòng biết ơn và tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là nét đẹp truyền thống gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai, để dòng chảy lịch sử không ngừng nối dài trong  ký ức của mỗi một người dân Hiền Sỹ nói riêng và vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa, đấu tranh cách mạng huyện Phong Điền nói chung.

Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố biến cố lịch sử, nhưng làng Hiền Sỹ vẫn còn lưu giữ bảo tồn được nhiều nét đặc trưng văn hóa làng Việt trên vùng đất mới, trong đó đình Hiền Sỹ chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của dân làng. Đình là nơi thiêng liêng để con dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước… Đây không chỉ là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất mới; nơi gắn kết quá khứ với hiện tại và tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết của con dân trong làng với cộng đồng xã hội của làng quê truyền thống. Những lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình, cùng những hoạt động sinh hoạt tập thể khác mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân địa phương.

Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đình Hiền Sỹ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng,  không chỉ đối với dân làng, mà còn đối với nhân dân trong huyện Phong Điền. Đình Hiền Sỹ là địa điểm sinh hoạt của nhóm “Thanh niên Sông Bồ” đã tập hợp được khá nhiều thanh niên ưu tú các làng, tích cực tham gia hoạt động yêu nước và trở thành những hạt nhân quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế sau này. Đình Hiền Sỹ là nơi diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện Phong Điền để thành lập “Việt Minh Trường Sơn”. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của huyện Phong Điền nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Hiền Sỹ còn là nơi tập trung, trung chuyển các cơ quan của Ủy ban kháng chiến Tỉnh trước khi chuyển căn cứ lên chiến khu Hòa Mỹ... Đình là nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của người dân địa phương và trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất này.

Có thể nói, đình làng Hiền Sỹ không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, tín ngưỡng truyền thống của làng, mà còn là “địa chỉ đỏ” ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của xã Phong Sơn, huyện Phong Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Đồng thời, là nơi để giáo dục dân làng, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của cha ông; ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc lưu giữ và ngày càng phát huy tốt hơn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng bảo vệ cuộc sống ấm no hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.  

Hiện nay, đình Hiền Sỹ đang được sự chăm sóc, bảo vệ của Ban đại diện Hội đồng tộc trưởng và con dân trong làng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, nên nhìn chung đình đang được bảo quản tốt và vẫn giữ được những nét truyền thống của làng. Bằng ý thức trách nhiệm và lòng hảo tâm của bà con dân làng cùng chung sức đóng góp trùng tu, sửa chữa một số công trình của đình đang bị xuống cấp và duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống các lễ hội  hàng năm của nhân dân ở địa phương, trong đó nổi bật là các ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước. Thông qua các hoạt động vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống vừa có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc của Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương đã ngày càng khẳng định tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng được kế thừa và phát huy trên nền văn hóa dân tộc của cư dân làng Hiền Sỹ.

 

Tiến Dũng (TT VH -TT&TT huyện)
Tin Khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.649.761
Hiện tại 3.923 khách