Tìm kiếm

TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Về việc báo cáo hiện trạng công tác bảo vệ môi trường làng nghề
Ngày cập nhật 07/08/2019

Ngày 26 tháng 7 năm 2019, đồng chí Nguyễn Văn Cho – Phó Chủ tịch UBND huyện đã ký ban hành Báo cáo số: 261/BC-UBND về việc báo cáo hiện trạng công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nội dung Báo cáo cụ thể như sau:

I. Thực trạng phát triển làng nghề trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2018

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 08 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, với các loại hình sản xuất như đồ gỗ mỹ nghệ; gốm, đệm bàng, rèn, nón lá, đan lưới, chế biến nước mắm và trồng mai cảnh. Hầu hết, các làng nghề có quy mô nhỏ, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Do đó, mặc dù hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư nhưng chưa phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.

Các làng nghề trên địa bàn huyện được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, gồm:

 

TT

Tên làng nghề

Địa chỉ

(xã)

Số lao động làm nghề

1

Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên

Phong Hòa

70 lao động

2

Gốm Phước Tích

Phong Hòa

18 lao động

3

Đệm bàng Phò Trạch

Phong Bình

350 lao động

4

Rèn Hiền Lương

Phong Hiền

04 lao động

 

5

Nón lá Thanh Tân

Phong Sơn

200 lao động

6

Đan lưới Vân Trình

Phong Bình

300 hộ (1.200 lao động)

7

Chế biến nước mắm Hải Nhuận

Phong Hải

20 lao động

8

Trồng mai cảnh Thế Chí Tây

Điền Hòa

476 lao động

II. Thực trạng và diễn biến môi trường làng nghề trên địa bàn

1. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường làng nghề

a) Môi trường không khí

Môi trường không khí tại các làng nghề trên địa bàn huyện không có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí do hầu hết các làng nghề không đốt các nhiên liệu và sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; riêng đối với nghề gốm trong quá trình sản xuất có sử dụng nhiên liệu để đốt, tuy nhiên làng nghề gốm Phước Tích có quy mô nhỏ nên tác động không đáng kể (làng nghề gốm Phước Tích có 18 lao động biết nghề, trong đó có 03 lao động sản xuất được gốm mới, hiện nay tại làng nghề chỉ có 01 lao động sản xuất cầm chừng do sản phẩm khó cạnh tranh với thị trường tiêu thụ).

b) Môi trường nước

Khối lượng và đặc trưng nước thải sản xuất ở các làng nghề phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu dùng trong sản xuất. Hầu hết các ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện như điêu khắc gỗ, sản xuất đệm bàng, rèn, nón lá, đan lưới và trồng mai cảnh không có nhu cầu sử dụng nước lớn và không xả thải nước thải sản xuất có chứa chất gây ô nhiễm môi trường. Riêng làng nghề chế biến nước mắm Phong Hải có quy mô nhỏ, khoảng 20 lao động, nước thải sản xuất chủ yếu nước thải từ rửa nguyên liệu cá, bể ướp cá, dụng cụ sản xuất nước mắm và được thu gom vào hố lắng của từng hộ gia đình và sau đó chảy ra mương thoát nước thải của khu dân cư.

2. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường làng nghề

a) Chất thải rắn thông thường: Các ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện như điêu khắc gỗ, sản xuất đệm bàng, nón lá và trồng mai cảnh phát sinh chất thải rắn sản xuất thông thường chủ yếu là phế phẩm (mùn cưa, dăm bào, các cùi gỗ vụn, lá nón vụn, cỏ bàng, bìa gỗ…) được thu gom bán cho các đơn vị để làm chất đốt hoặc được tận dụng làm nhiên liệu cho các hộ gia đình. Đối với các chất thải rắn thông thường không thể tái sử dụng, được các hợp tác xã môi trường thu gom, vận chuyển và xử lý.

b) Chất thải nguy hại: Đa số các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện không phát sinh chất thải nguy hại hoặc có phát sinh với khối lượng không đáng kể. Các chất thải nguy hại như các giẻ lau nhiễm dầu, thùng chứa sơn,  tuy nhiên số lượng nhỏ không đáng kể được các hộ gia đình trong các làng nghề phân loại và lưu giữ riêng biệt trong các thùng kín riêng biệt.

 c) Nước thải sinh hoạt: Tại các làng nghề, nước thải sinh hoạt được xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn tại nhà vệ sinh của các hộ gia đình của làng nghề trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung hoặc thải ra môi trường.

d) Nước thải sản xuất: Như mục II.1.b của Báo cáo này.

3. Các vấn đề môi trường chính tại các làng nghề

a) Vấn đề nước thải ở các làng nghề:

Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải trong các làng nghề trên địa bàn huyện chưa được đầu tư và vẫn sử dụng chung với hệ thống thoát nước mưa. Do vậy, nước thải của các làng nghề được đưa ra ngoài môi trường mà chưa được xử lý. Tuy nhiên, do mật độ dân cư và sản xuất trong các làng nghề chưa cao nên hiện nay chưa gây ô nhiễm lớn đối với môi trường. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu để có các giải pháp nhằm hạn chế việc xử lý nước thải dùng chung với hệ thống thoát nước mưa.

b) Vấn đề quản lý chất thải tại các làng nghề

- Chất thải rắn thông thường: Như mục II.2.a của Báo cáo này.

- Chất thải nguy hại: Như mục II.2.b của Báo cáo này.

III. Tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề

1. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn lực bảo vệ môi trường

a) Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước

Các làng nghề trên địa bàn huyện có tổ thu gom rác thải sinh hoạt trong các làng nghề. Ở cấp xã, cấp huyện có công chức phụ trách về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn nói chung và làng nghề nói riêng.

 b) Nguồn lực bảo vệ môi trường

Mặc dù nguồn lực tài chính được huy động để phục vụ bảo vệ môi trường đã được quan tâm đầu tư, song chưa đáp ứng yêu cầu. Cho tới nay, nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách (kinh phí sự nghiệp môi trường) và thu phí vệ sinh môi trường theo quy định; trong khi việc huy động nguồn lực tài chính khác (nguồn tư nhân, nguồn vốn của các nhà đầu tư, nguồn của dân cư...) còn rất hạn chế. Hàng năm, UBND huyện phải bổ sung ngân sách để thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện nói chung và tại các làng nghề nói riêng. Hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng về bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức thực hiện pháp luật, công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường làng nghề

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường làng nghề. Nhìn chung, công tác tuyên truyền được thực hiện khá thường xuyên với nhiều hình thức như: thông qua hệ thống đài truyền thanh của xã, thị trấn, thông qua các chương trình hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, cụm dân cư; phát tờ rơi, hội nghị tập huấn, phổ biến, tuyên truyền qua các dịp cao điểm như ngày môi trường thế giới, tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tháng hành động vì môi trường hàng năm.

 

b) Kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường làng nghề

Nhằm kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các làng nghề xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và các cơ sở hoạt động trong làng nghề lập hồ sơ đăng ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Đến nay có 08/8 làng nghề đã có thủ tục môi trường được UBND huyện xác nhận. Ngoài ra, hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở hoạt động trong làng nghề.

3. Đánh giá chung về kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân

a) Những kết quả đạt được

Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện trong thời gian qua được thực hiện bước đầu có hiệu quả, ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở trong các làng nghề được nâng lên, đã hình thành được các tổ chức tự quản về môi trường, công tác tổ chức thu gom, phân loại rác thải được xã hội hóa, việc vận chuyển và xử lý rác thải cơ bản đáp ứng được yêu cầu, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong các làng nghề.

b) Những tồn tại, hạn chế

Hiện nay, làng nghề chế biến nước mắm Hải Nhuận, Phong Hải hoạt động xen kẽ trong khu dân cư; hệ thống xử lý nước thải trong làng nghề chưa được đầu tư và vẫn sử dụng chung với hệ thống thoát nước mưa. Do vậy, nước thải của các làng nghề được đưa ra ngoài môi trường mà chưa được xử lý. Tuy nhiên, do mật độ dân cư và sản xuất trong các làng nghề chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ nên hiện nay chưa gây ô nhiễm lớn đối với môi trường.

c) Nguyên nhân

Nguồn lực của địa phương còn hạn chế, trong khi việc đầu tư hạ tầng xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ.

IV. Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới

- Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

- Tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu quy hoạch điểm tiểu thủ công nghiệp xã Phong Hải, đặc biệt là hệ thống thu gom nước thải và nước mưa. Đồng thời xây dựng phương án kêu gọi, di dời các cơ sở sản xuất nước mắm Phong Hải ra đầu tư sản xuất tập trung ở điểm tiểu thủ công nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định: Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường, khuyến khích các cơ sở phân loại chất thải tại nguồn. Đồng thời tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

 

Văn phòng HĐND&UBND
Tin Khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.641.040
Hiện tại 6.162 khách