Tìm kiếm

TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Báo cáo về công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Phong Điền giai đoạn 2014-2018
Ngày cập nhật 06/08/2019

Ngày 02 tháng 8 năm 2019, đồng chí Nguyễn Văn Cho – Phó Chủ tịch UBND huyện đã ký ban hành Báo cáo số: 274/BC-UBND về Công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Phong Điền giai đoạn 2014-2018, nội dung Báo cáo cụ thể như sau:

I. Công tác quản lý, sử dụng đất

1. Quản lý nhà nước về đất đai

1.1. Việc ban hành, phổ biến và chỉ đạo tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất; xác định giá đất

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc ban hành các quy định liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất được quy định tại Luật đất đai 2013 thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, cá nhân là đối tượng áp dụng khi văn bản có hiệu lực thi hành.

Sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, UBND huyện đã tổ chức hơn 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về luật đất đai, các quy định của pháp luật có liên quan cho cán bộ, chuyên viên, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng như là hình thức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, thông qua các cuộc thi,…; lựa chọn các nội dung tuyên truyền liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất như quy định pháp luật dân sự về các loại hợp đồng, về tặng cho, thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất, ý nghĩa của việc đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia định, cá nhân được thực hiện trên cơ sở bảng giá đất 5 năm (2015-1019) được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 và hệ số điều chỉnh bảng giá đất hàng năm của UBND tỉnh. Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất việc xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá là giá đất cụ thể được UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.

          1.2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 của huyện Phong Điền đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 27/02/2014. Sau 05 triển khai, UBND huyện đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Luật đất đai 2013 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 03/4/2019.

Hàng năm, UBND huyện đã tổ chức lập Kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được công bố công khai tại trụ sở UBND huyện, trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện và công bố công khai nội dung kế hoạch sử dụng đất huyện có liên quan đến xã, thị trấn nhằm phát huy tính dân chủ, minh bạch, tăng cường sự giám sát của người dân, hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý đất đai. Quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có sự liên kết, đồng bộ với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới của các xã.

1.3. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, gia hạn, miễn giảm tiền sử dụng đất.

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai. Đây là nhiệm vụ chính trị có tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo các ngành phối hợp với chủ đầu tư, UBND các xã thị trấn thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tiến hành niêm yết công khai phương án bồi thường, tổ chức lấy ý kiến và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của người dân bị thu hồi đất.

Từ năm 2014 đến năm 2018, UBND huyện đã triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 70 công trình, dự án với tổng diện tích thu hồi 1.614,11ha.     Số đối tượng bị ảnh hưởng 5094 đối tượng, trong đó số tổ chức là 19; số hộ gia đình, cá nhân là 5075 với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ bằng tiền là 256,65 tỷ đồng và bố trí tái định cư cho 54 hộ.

          Nhìn chung, diện tích đất được thu hồi đã đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất thực hiện thủ tục xin giao đất, thuê đất theo đúng quy định phát luật về đất đai; triển khai xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất trình UBND huyện xem xét, phê duyệt.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Từ năm 2014-2018, UBND huyện đã tiến hành giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 827 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 394,97 ha. UBND tỉnh cho thuê đất 44 tổ chức, với tổng diện tích 662,1 ha và thu hồi đất đối với 01 tổ chức (Công ty Cổ phần Bảo Toàn A) tại xã Phong Chương với diện tích 150 ha.

(Có phụ lục 02-ĐĐ, phụ lục 03-ĐĐ kèm theo)

Nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thời gia qua được thực hiện đúng trình tự và quy định của Luật Đất đai 2013.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai được thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Đối với việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách ưu đãi đầu tư.

          1.4. Công tác quản lý nhà nước về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường

Giai đoạn từ năm 2014-2018, UBND huyện Phong Điền đã tiếp nhận 1.267,57 ha từ BQL rừng phòng hộ Sông Bồ, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Phong Điền trên địa bàn 4 xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Thu. Cụ thể:

- Nhận bàn giao từ BQL rừng phòng hộ Sông Bồ: 134,33 ha.

- Nhận bàn giao từ Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Phong Điền: 1.133,24 ha. Trong đó: Diện tích đất rừng phòng hộ:  385,36 ha; Diện tích đất rừng sản xuất: 747,88 ha.

Sau khi tiếp nhận diên tích đất lâm nghiệp của các đơn vị chuyển giao, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch tiếp nhận, đo đạc xác định diện tích, ranh giới khu đất và lập các thủ tục thanh lý rừng, thu hồi đất và căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất trình UBND huyện phê duyệt để triển khai thực hiện.

2. Tình hình sử dụng đất đai 

Nhìn chung, các tổ chức, hộ gia đình cá nhân được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai; không xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất sai quy hoạch, vi phạm thời hạn sử dụng đất. Quá trình thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác phải thực hiện nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2017/NĐ-CP ngày 08/12/2017; Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của UBND tỉnh và thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay theo Thông tư 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

3. Nhận xét, đáng giá

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường. Công tác quản lý đất đai dần đi vào nề nếp và đã đạt được một số kết quả:

- Tổ chức tuyên truyền hiệu quả pháp luật về đất đai; tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đặc biệt là việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Tích cực và giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của các xã, thị trấn trong quá trình quản lý và sử dụng đất; đặc biệt, việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn, các công trình trọng điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất.

- Quan tâm và chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; Công bố bộ thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế như:

- Công tác lập và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm so với quy định, cập nhật chưa đầy đủ các thông tin liên quan dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch bị ảnh hưởng. UBND huyện còn gặp khó khăn khi giải quyết đối với trường hợp phát sinh các dự án, công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số trường hợp vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án; việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn xảy ra, đến nay cơ bản đã được giải quyết. Nguyên nhân của tình trạng này là do:  Việc chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được các xã, thị trấn quan tâm đúng mức, nhất là phương án giải quyết tạo việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban cấp huyện và địa phương; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật; Năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp.

Từ năm 2014-2018, trên địa bàn huyện có 02 đợt thanh tra có liên quan đến công tác quản lý đất đai ngoài ra không có các đợt thanh tra của Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương. Cụ thể:

- Năm 2017: Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện về tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của UBND huyện trong đó có công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

- Năm 2018: Đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh thanh tra về tình hình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc nhận chuyển giao từ các Nông Lâm trường, các Ban quản lý.

Sau khi nhận được kết luận của các đoàn thanh tra, UBND huyện đã tiến hành tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan có sai phạm; xây dựng Kế hoạch khắc phục các sai phạm trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiến hành thực hiện. Đến nay, UBND huyện đã cơ bản khắc phục xong các nội dung kết luận của Đoàn thanh tra liên ngành và Thanh tra tỉnh.

II. Công tác quản lý, hoạt dộng thăm dò, khai thác cát, sỏi

  1. Quản lý nhà nước về cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi

1.1 Việc ban hành, phổ biến và chỉ đạo tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn tỉnh

          Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Đài Truyền thanh huyện, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến, công khai Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo trật tự an ninh.

          1.2 Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch khai thác về cát, sỏi, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn tỉnh

UBND huyện giao trách nhiệm cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND huyện quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; định kỳ tổ chức rà soát, lập hồ sơ trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch mỏ cát, sỏi trên địa bàn huyện. Trong đó, năm 2015 UBND huyện đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cát, sỏi làm vật liệu xây dựng đối với Bãi bồi Khe Băng thuộc phương Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khai thác cát, sỏi tại 09 vị trí gồm:

- 07 Bãi bồi cát, sỏi: Bãi bồi thôn Cổ Bi, xã Phong Sơn; Bãi bồi cặp đồng Mụ Nọ, bãi bồi đội 4 Tân Mỹ, bãi bồi Phú Kinh, bãi bồi Huỳnh Trúc, bãi bồi ông Ô, xã Phong Mỹ, bãi bồi Khe băng thuộc phương Hương Vân, thị xã Hương Trà, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Trong đó, có 04 bãi bồi thuộc xã Phong Mỹ  đã được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

- 02 vị trí cát, sỏi lòng sông: Đoạn lòng sông từ điểm cách lòng hồ thủy điện Hương Điền 6km đến cầu An Lỗ (cách cầu 500m) và Sông Ô Lâu: Đoạn sông khảo sát thuộc địa phận xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền - huyện Phong Điền.

          1.3 Việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền ký quỹ, thuê đất, cấp giấy phép khoáng sản, thuế…) của các đơn vị, cá nhân trong hoạt động, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, thu hồi cát, sỏi

          Từ năm 2014 đến 2018, trên địa bàn huyện Phong Điền UBND tỉnh chỉ cấp phép khai thác cho 01 đơn vị là Công ty TNHH MTV Xây dựng Giao thông Tuấn Hải khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại Khu vực Khe Băng thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Phong Sơn huyện Phong Điền, với diện tích khu vực khai thác là 7,2ha.

          Trong quá trình khai thác Công ty TNHH MTV Xây dựng Giao thông Tuấn Hải đã thực hiện đầy đủ các thủ tục như: cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác, lập thủ tục thuê đất, ký hợp đồng thuê đất, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, thiết kế mỏ được lập và phê duyệt theo quy định, báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản, báo cáo kết quả giám sát môi trường định kỳ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính như nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền ký quỹ phục hồi môi trường.

          2. Tình hình sử dụng khai thác cát, sỏi

          2.1 Đánh giá chung về hiệu quả sử dụng khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn:

Việc cấp phép khai cho tổ chức đã góp phần lập lại trật tự khai thác cát, sỏi kết hợp khơi thông dòng chảy một cách hợp lý, hiệu quả, giải quyết cơ bản nạn khai thác trái phép trên tuyến sông Bồ đoạn qua xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; giải quyết được công ăn việc làm cho các hộ dân sống bằng nghề khai thác cát, sỏi thuộc 03 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà) và cung cấp một lượng cát, sỏi để làm vật liệu xây dựng trên địa bàn và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

          2.2 Thống kê, đánh giá các vi phạm pháp luật như: Khai thác không phép, khai thác trữ lượng không đúng quy định; lấn chiếm vị trí, diện tích được cấp phép; cấp phép, khai thác sai quy hoạch; chuyển nhượng quyền khai thác trái phép; vi phạm thời hạn sử dụng khai thác…

          Trong quá trình khai thác cát, sỏi lòng sông Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải đã khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 05m trở lên tại mỏ khoáng sản khu vực Khe Băng thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

          2.3 Đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn tỉnh; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn tỉnh; Sử dụng đất, nước, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; Bảo hiểm trong hoạt động khai thác cát, sỏi

          Nhìn chung các tổ chức, đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và sử dụng có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.

          3. Nhận xét, đánh giá vè tình hình quản lý, hoạt động, sử dụng cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi

- Kết quả đạt được: Góp phần lập lại trật tự khai thác cát, sỏi kết hợp khơi thông dòng chảy một cách hợp lý, hiệu quả, giải quyết cơ bản nạn khai thác trái phép trên tuyến sông Bồ đoạn qua xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Đồng thời, cung cấp một lượng cát, sỏi để làm vật liệu xây dựng trên địa bàn và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

          - Về xử lý vi phạm hành chính: Trên cơ sở vi phạm nêu trên, ngày 24/5/2019 UBND  tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải (xử phạt tiền và thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 38/GP-UBND ngày 22/8/2016 của UBND tỉnh). Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Bồ và sông Ô Lâu đoạn qua huyện Phong Điền. Kết quả đã xử lý 18 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

(Có phụ lục 11-CS kèm theo)

III. Công tác quản lý đầu tư xây dựng

1. Về văn bản pháp lý

Triển khai Chỉ thị Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện đầu tư công hằng năm của tỉnh, UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch về việc triển khai công tác xây dựng hằng năm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do huyện quản lý để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, trong đó tập trung chỉ đạo các nội dung chính như: Xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; giao kế hoạch vốn đầu tư; quản lý, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng; tạm ứng và thanh toán vốn; công tác quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản; xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng và báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư.

UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện triển khai một số dự án (Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách huyện) nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thi công, giải ngân, quyết toán dự án phù hợp các văn bản quy định hiện hành.

2. Quản ký đầu tư công

2.1. Khái quát về bộ máy

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy định về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện tiến hành triển khai cho các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện quản lý.

2.2. Quản lý nguồn vốn đầu tư công

Việc triển khai quản lý vốn đầu tư công trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với các quy định hiện hành về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Các công trình đầu tư công tỉnh, ngoài UBND huyện quản lý, còn chịu sự quản lý chặt chẽ của UBND tỉnh, các Sở, ngành thuộc tỉnh. Các công trình đầu tư xây dựng thuộc huyện quản lý, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát kết quả thực hiện.

2.3. Quản lý dự án đầu tư công

a. Số liệu đầu tư từ năm 2014 đến hết năm 2018

  • Tổng số dự án: 223 dự án/công trình;
  • Tổng mức đầu tư đã phê duyệt: 1.158 tỷ đồng.
  • Tổng kế hoạch vốn được giao: 534 tỷ đồng;
  • Tổng giá trị khối lượng thực hiện: 524 tỷ đồng;
  • Tổng số vốn đã giải ngân: 517 tỷ đồng.

b.Công tác đấu thầu từ năm 2014 đến hết năm 2018

Công tác đầu thầu thời gian qua, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu. Các gói thầu xây lắp nằm trong phạm vi phải thực hiện đầu thầu thì các chủ đầu tư triển khai đấu thầu theo quy định. Từ năm 2014 đến năm 2018, đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua hình thức đấu thầu rộng rãi là 72 gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm là 5,638%.

c. Nợ xây dựng cơ bản

- Cuối năm 2017, được sự thống nhất của Thường trực HĐND huyện, UBND huyện đã bố trí hơn 4,5 tỷ đồng để thanh toán các công trình nợ đọng và công trình thanh toán khối lượng hoàn thành từ ngân sách huyện. Đến hết năm 2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản là 2.630,4 triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh là 662 triệu đồng, Ngân sách huyện là 1.656,3 triệu đồng và ngân sách cấp xã là 312,1 triệu đồng:

-  Năm 2019: Đầu năm 2019, được sự thống nhất của Thường trực HĐND huyện, UBND huyện đã phân bổ kinh phí  1.642,6 triệu đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách huyện; ngân sách tỉnh đã phân bổ 600 triệu đồng để thanh toán nợ đọng; tuy nhiên, trong 06 tháng đầu năm 2019, nợ phát sinh từ ngân sách cấp xã tăng 1.838 triệu đồng.

Tính đến ngày 15/7/2019, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản là 2.567 triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh là 54 triệu đồng, ngân sách huyện 675 triệu đồng, ngân sách cấp xã là 1.838 triệu đồng.

d. Công tác quyết toán dự án hoàn thành

Việc thực hiện quyết toán vốn đầu tư được các chủ đầu tư thực hiện theo Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01năm 2016 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định về quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các Chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, do đó, thời gian qua đa số các chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện lập hồ sơ quyết toán, tất toán tài khoản công trình.

- Số dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành: Tính đến ngày 15/7/2019, UBND huyện đã tiếp nhận 80 hồ sơ công trình, đã tiến hành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 68 công trình (trong đó có 20 công trình thuộc UBND huyện phê duyệt dự án hoàn thành và 48 công trình thuộc UBND cấp xã phê duyệt dự án hoàn thành). Có 12 công trình mới nộp hồ sơ quyết toán trong tháng 7/2019 (Không có công trình chậm thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành).

- Số dự án chậm nộp báo cáo quyết toán: Tính đến hết ngày 15/7/2019, còn 27 công trình đã nghiệm thu hoàn thành, chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán (trong đó có 05 công trình thuộc UBND huyện phê duyệt dự án hoàn thành và 22 công trình thuộc UBND cấp xã phê duyệt dự án hoàn thành).

(Có phụ lục 06-ĐT, phụ lục 07-ĐT và phụ lục 08-ĐT kèm theo)

IV. Thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

 - Tổng số dự án đã kiểm toán của Kiểm toán NN Khu vực II từ năm 2014-2018: 21 dự án, trong đó: năm 2014: 07 dự án; năm 2016: 03 dự án; năm 2017: 06 dự án và năm 2018: 05 dự án.

- Tổng số dự án đã thanh tra: 13 dự án, trong đó: năm 2014: 01 dự án (Thanh tra tỉnh TT-Huế); năm 2016: 08 dự án (Thanh tra Sở Xây dựng TT-Huế) và năm 2017: 04 dự án (Thanh tra Sở Tài chính TT-Huế).

- Tổng số giảm trừ từ kết luận của Kiểm toán và Thanh tra: 3.827.537.000VNĐ, trong đó: Thu hồi nộp ngân sách: 502.568.000VNĐ (đã thực hiện), giảm nghiệm thu thanh toán: 1.611.225.000VNĐ (đã thực hiện), giảm giá trị hợp đồng không thực hiện: 1.522.165.000VNĐ (đã thực hiện) và giảm khác (đã thực hiện): 191.579.000VNĐ.

(có phụ lục 13-KLTr kèm theo)

 

V. Kiến nghị

1. Về lĩnh vực đất đai: Theo quy định những công trình, dự án cần thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 phải được ghi vốn thực hiện trong năm kế hoạch (đối với các dự án sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước); có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà  nước có thẩm quyền đối với các dự án còn lại. Thực tế thì kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện cuối năm mới phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, dự án và phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “Quý III hàng năm, UBND cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;”.

Như vậy, các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện không thể đáp ứng quy định này. Đồng thời, các công trình, dự án sử dụng các nguồn vốn khác nếu chốt thời hạn là quý III hàng năm thì những công trình dự án cấp bách được cấp có thẩm quyền cấp phép chủ trương đầu tư sau quý III sẽ không được đưa vào kế hoạch sử dụng đất và không được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong năm sau. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung thêm quy định để triển khai thực hiện đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Ngân sách.

2. Về lĩnh vực đầu tư xây dựng: Kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung ứng vốn đối với các dự án còn thiếu vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và thanh quyết toán công trình.

 

Văn phòng HĐND&UBND
Tin Khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.641.040
Hiện tại 6.137 khách