Ngày 26 tháng 3 năm 2019, đồng chí Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện đã ký ban hành Quyết định số: 1315/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch vùng kinh tế trang trại xã Điền Lộc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nội dung cụ thể quyết định như sau:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng kinh tế trang trại xã Điền Lộc đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch vùng kinh tế trang trại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
2. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch thuộc khu vực đồi cát thuộc 2 thôn Nhất Đông và Nhì Đông xã Điền Lộc với tổng diện tích là 17,58ha (không bao gồm vùng trồng màu hiện nay đang sản xuất).
3. Quan điểm, định hướng và mục tiêu:
3.1 Quan điểm:
- Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
- Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.
3.2 Định hướng:
- Quy hoạch phân lô chi tiết cho từng cơ sở đảm bảo đủ diện tích để có thể đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể diện tích tối thiểu của mỗi cơ sở là 2,1 ha.
- Quy hoạch cơ sở chăn nuôi có quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên, cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt… tối thiểu 500m, đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô chuồng trại dưới 1.000 m2 trở xuống có khoảng cách tối thiểu 300m, cơ sở chăn nuôi có quy mô chuồng trại 1.000m2 trở lên đối với gia súc, gia cầm phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; cơ sở chăn nuôi có quy mô chuồng trại dưới 1.000m2 phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Quy hoạch cơ sở hạ tầng đầy đủ, đảm bảo phát triển bền vững cho vùng trang trại.
3.3 Mục tiêu quy hoạch:
- Xây dựng và phát triển vùng kinh tế trang trại tập trung của xã, từng cơ sở phấn đấu đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người dân để phát triển kinh tế- xã hội.
- Quy hoạch bố trí hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn của các tổ chức và cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng, tham khảo các mô hình trang trại hoạt động có hiệu quả để ứng dụng thành công cho vùng kinh tế trang trại của xã.
4. Nội dung quy hoạch:
4.1 Quy hoạch loại hình trang trại:
Quy hoạch loại hình trang trại tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng).
- Trồng các loại hoa màu thích hợp với thổ nhưỡng trong khu vực.
- Chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ, chăn nuôi lợn, gia cầm…
- Trồng cây bản địa, cây tràm, dương liễu, keo ở những diện tích đất còn trống, hạn chế tối đa việc chặt phá rừng không cần thiết, nhằm tạo môi trường sinh thái, đảm bảo độ che phủ cũng như ổn định nguồn nước hiện có trong khu vực.
4.2 Quy hoạch sử dụng đất:
Tổng diện tích quy hoạch vùng kinh tế trang trại xã Điền Lộc là 17,58 ha, trong đó đất trang trại phân lô 15,906 ha; đất thủy lợi, hói tiêu, xử lý chất thải 1,68 ha.
( Phụ lục 1 kèm theo)
4.3 Quy hoạch phân lô trang trại:
- Phân lô chi tiết đảm bảo đủ diện tích để đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể diện tích tối thiểu của mỗi cơ sở là trên 2,1 ha.
- Dựa vào điều kiện địa hình tự nhiên, tình hình sản xuất hiện tại để tiến hành phân lô. Tổng diện tích phân lô là 15,906 ha, tổng cộng có 7 lô, diện tích mỗi lô tối thiểu 2,1 ha.
( Phụ lục 2 kèm theo)
4.4 Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
4.4.1 Quy hoạch giao thông:
a) Giao thông đối ngoại:
Hệ thống giao thông đã được bố trí theo Quy hoạch nông thôn mới và Quy hoạch chung đô thị mới xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Trục đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc chạy qua khu quy hoạch trang trại có lộ giới quy hoạch 31m.
- Đường bê tông từ thôn Nhất Đông nối dài ra trang trại chiều dài 924 m đã được bê tông hóa với chiều rộng 3 m, đường được quy hoạch có lộ giới 16,5m.
- Đường ngang phục vụ trang trại (hướng đông nam trang trại), đoan qua trang trại có chiều dài 900m, lộ giới quy hoạch 19,5m.
b) Giao thông đối nội:
Do vùng quy hoạch có diện tích khá nhỏ, do đó đường giao thông đối ngoại cũng là đường giao thông đối nội ở khu vực xung quanh và các trang trại với nhau.
4.4.2 Quy hoạch cấp và tiêu thoát nước:
a) Quy hoạch cấp nước
Khu vực quy hoạch trang trại xã Điền Lộc nằm trên vùng đồi cát ven biển, có nguồn nước ngầm dồi dào, có các bàu cát tự nhiên vì thế để tiết kiệm chi phí xây dựng nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi trong trang trại, cấp nước cho vùng quy hoạch trang trại xã Điền Lộc như sau:
- Quy hoạch các hói tiêu nội vùng, kết hợp cống điều tiết giữ nước tạo thêm nguồn cung cấp nước cho toàn vùng trang trại.
- Định hướng quy hoạch thêm hệ thống giếng bơm cho từng lô trang trại để bơm nước ngầm tưới thêm cho cây màu và phục vụ chăn nuôi.
- Nước sinh hoạt: Đấu nối với hệ thống nước sạch hiện có từ khu dân cư thôn Nhất Đông.
b) Quy hoạch tiêu thoát nước mặt:
- Thoát nước mặt: Trục tiêu chính là bàu nước lớn dọc xã, quy hoạch hệ thống hói tiêu nhánh để tiêu nước nội vùng, các hói tiêu này cũng đổ về trằm nước nên cần phải nạo vét một số đoạn đã bị bồi lấp để đảm bảo việc tiêu thoát nước, chiều sâu nạo vét sâu bình quân là từ 0.8-1.0m.
Hệ thống hói tiêu nhánh trong vùng trang trại xã Điền Lộc như sau:
Tên hói
|
Chiều dài (m)
|
Bề rộng lòng hói (m)
|
Bề rộng mái taluy (m)
|
Bề rộng bờ (m)
|
Bề rộng toàn hói (m)
|
Diện tích (ha)
|
Kết cấu
|
|
|
HT01
|
890
|
2,0
|
6,0
|
4,0
|
10,0
|
0,89
|
Lát bao tải cát
|
|
Tại các điểm giao nhau giữa các hói tiêu và các trằm nước dọc xã, cần bố trí cống điều tiết có cửa van đóng mở để điều tiết lượng nước trong các hói tiêu nhánh, đóng lại giữ nước vào mùa khô, mở ra tiêu úng vào mùa mưa.
c) Quy hoạch thoát nước thải:
Để đảm bảo việc thoát nước thải từ các trang trại ra môi trường được đảm bảo an toàn, tránh việc đưa thẳng chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn đất và nước ở khu vực. Bố trí hệ thống mương bê tông thoát nước thải dẫn về khu xử lý rồi mới đưa ra môi trường để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho việc tái sử dụng tưới tiêu.
4.4.3 Quy hoạch cấp điện:
a) Trạm biến áp:
Dựa vào quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chi tiết phân lô vùng trang trại, cũng như điều kiện địa hình trong vùng và nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khu quy hoạch trang trại và vùng trồng rau màu lân cận của thôn Nhất Đông, Nhì Đông; đề xuất bố trí 01 trạm biến áp với công suất 250KVA, vị trí cụ thể tại ngã tư từ đường ra nghĩa địa và đường từ thôn Nhất Đông ra trang trại.
b) Đường dây hạ thế:
Đường dây hạ thế 0,4kV được xây dựng sau các trạm biến áp, bố trí chủ yếu chạy dọc theo đường trục chính để cấp điện cho các vùng trang trại, chiều dài khoảng 1,116 km, cụ thể như sau:
STT
|
Nội dung
|
Đơn vị
|
Dọc đường DD01
|
Dọc đường DN01
|
Tổng cộng
|
1
|
Đường dây 0,4 KV và trụ điện BTLT 8m
|
km
|
0,227
|
0,889
|
1,116
|
4.4.4 Quy hoạch nhà xưởng, chuồng trại:
- Quy hoạch khu vực nhà ở cho từng cơ sở trang trại.
- Đối với các cơ sở trồng trọt cần có khu nhà kho, nhà xưởng chứa dụng cụ lao động, sản phẩm thu hoạch và sân phơi hoa màu.
- Các cơ sở chăn nuôi có chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đồng thời phải bố trí khu vực xử lý các chất thải chăn nuôi tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng những cơ sở trang trại lân cận.
- Các cơ sở chăn nuôi tập trung phải thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định.
- Trồng cây xanh xung quanh các khu vực nhà ở, nhà xưởng, chuồng nuôi và ao nuôi để giảm bức xạ nhiệt cũng như tạo môi trường phát triển bền vừng cho toàn vùng trang trại.
5. Các giải pháp thực hiện:
5.1 Tăng cường công tác tuyên truyền:
Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế trang trại đã được lập, công tác quản lý hiện trạng sử dụng đất trên khu vực sản xuất trang trại, thực hiện căm mốc ranh giới tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, mua bán sang tay không hợp lệ.
5.2 Giải pháp kỹ thuật:
- Quá trình tổ chức sản xuất phải tuân thủ theo các hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông.
- Chọn các giống cây trồng đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, rỏ nguồn gốc, chọn lọc nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất giống.
- Đối với chăn nuôi, giống được kiểm dịch và phòng ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm; chuồng trại xây dựng cao, thoáng mát vào mùa hè, kín gió, ấm vào mùa đông; có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, ứng dụng rộng rãi công nghệ chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
- Đầu tư thức ăn, phân bón đủ số lượng và chất lượng cho cây trồng và vật nuôi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi chu đáo, phòng trừ dịch bệnh nghiêm ngặt.
- Tận dụng các phụ phẩm của chăn nuôi để phát triển trồng trọt và các sản phẩm trồng trọt phục vụ chăn nuôi.
5.3 Giải pháp về nguồn vốn đầu tư:
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế trang trại gồm nguồn lực của dân (bao gồm vốn tự có, vốn vay) đầu tư trực tiếp cho sản xuất; nguồn lực của Nhà nước và các nguồn lực khác (đầu tư hạ tầng); nguồn vốn vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất…
5.4 Phát triển nguồn nhân lực:
- Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các chủ trang trại về các kỹ thuật cũng như nghiệp vụ quản lý kinh tế trang trại, đồng thời các chủ trang trại phải có biện pháp thu hút lao động có trình độ chuyên môn giỏi, giúp trang trại kinh doanh đem lại hiệu quả.
- Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội nghị triển lãm, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.
5.5 Bảo vệ môi trường:
- Xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải gắn liền với các hệ thống xử lý chất thải, hầm khí biogas, phủ bạt nhựa HDPE, hệ thống thoát nước…Chất thải chăn nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.
- Các loại rác thải trong vùng trang trại phải được thu gom, xử lý theo quy định.
- Hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng có sẵn trong khu vực trang trại, đồng thời trồng cây bản địa, cây xanh ở những thửa đất trống, xung quanh nhà xưởng, chuồng trại để tạo cảnh quan môi trường cho vùng trang trại…
- Các chủ trang trại phải đăng ký, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định với các phòng ban liên quan.
6. Tổ chức thực hiện:
- UBND xã Điền Lộc là cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm công bố, phổ biến quy hoạch này theo quy định.
- Thủ trưởng các ngành chuyên môn cấp huyện phối hợp, hướng dẫn UBND xã Điền Lộc tổ chức triển khai thực hiện, đề xuất các giải pháp liên quan đến lĩnh vực phụ trách để thực hiện tốt phát triển kinh tế trang trại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, Thủ trưởng các cơ quan: Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính-Kế hoạch; Chủ tịch UBND xã Điền Lộc và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.