I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
Nhằm tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2017 của HĐND huyện khóa VI (kỳ họp thứ 4).
2. Yêu cầu:
UBND các xã, thị trấn tổ chức quán triệt đến cơ sở những nội dung chủ yếu của các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện về phát triển TTCN, ngành nghề và làng nghề nông thôn, những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 được nêu trong Kế hoạch này.
II. Nhiệm vụ chủ yếu
1. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:
1.1. Đối với các nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận:
- Làng nghề Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên: Đầu tư xây dựng nhà truyền thống và trưng bày sản phẩm điêu khắc mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên. Tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; có giải pháp về nguồn nguyên liệu cho làng nghề, trong đó chú trọng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng.
- Làng nghề Đệm bàng Phò Trạch: Triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu bàng; tiếp tục ứng dụng các mẫu mã được cải tiến vào sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu để đầu tư máy đập bàng thay thế công cụ truyền thống để tăng năng suất; tổ chức lại sản xuất theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ du lịch.
- Làng nghề Gốm Phước Tích và nghề Rèn Hiền Lương: Tiếp tục duy trì và bảo tồn nghề theo hướng phát triển du lịch.
- Làng nghề Nón lá Phong Sơn: Cải tiến mẫu mã theo hướng phục vụ du lịch.
- Làng nghề truyền thống Đan lưới Vân Trình: Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất; nhân rộng nghề sang các địa phương lân cận như Điền Hương, Phong Chương.
1.2. Một số nghề và làng nghề truyền thống chưa được công nhận:
- Tiếp tục tiến hành thiết kế mẫu mã, kiểu dáng cho sản phẩm chế biến hải sản Phong Hải, rượu Phong Chương nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng ra thị trường.
- Tương măng Phong Mỹ: Triển khai quy hoạch vùng tre lấy măng để phục vụ, duy trì sản xuất và mở rộng ký gởi sản phẩm ở các cơ sở bán buôn, siêu thị, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ ra các thị trường ngoài tỉnh bằng các hình thức như tham gia hội chợ, Festival...
- Tổ chức rà soát tiêu chí một số nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống theo Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để hướng dẫn địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống.
1.3. Ngành nghề TTCN khác:
- Hỗ trợ, đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các nghề như chế biến hải sản, sấy nông sản, nấu dầu tràm, ép dầu Lạc, xây dựng thương hiệu sản phẩm để phát triển thị trường.
- Tiếp tục đào tạo cấp chứng chỉ cho nghề nề, cơ khí... đồng thời lồng ghép về kiến thức an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở công nghiệp.
1.4. Đầu tư hạ tầng các cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp:
- Tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 hạng mục đường, điện cụm công nghiệp Điền Lộc đã phê duyệt.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 hạng mục đường, điện các điểm TTCN đã phê duyệt là Phong Bình, Phong Sơn, Phong Hải; hoàn chỉnh và triển khai quy hoạch điểm TTCN Phong Hiền
- Điểm TTCN Phong An: Điều chỉnh quy hoạch phần đất dọc QL 1A (phía ngoài khu quy hoạch) từ đất dịch vụ sang đất dịch vụ kết hợp đất ở để tổ chức đấu bán quyền sử dụng đất, sử dụng nguồn vốn này để đầu tư các hạng mục tại Điểm TTCN Phong An.
1.5. Về quy hoạch vùng nguyên liệu:
Tổ chức khảo sát quy hoạch vùng nguyên liệu để chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó:
- UBND xã Phong Mỹ tổ chức khảo sát vùng nguyên liệu măng tre để đề xuất tổ chức quy hoạch phục vụ cung ứng sản xuất tương măng Phong Mỹ.
- UBND các xã Phong Chương, Phong Bình, Phong Hiền và Phong An tổ chức khảo sát quy hoạch nguyên liệu Tràm để phục vụ sản xuất chế biến dầu Tràm trên địa bàn.
- UBND Phong Sơn tổ chức khảo sát vùng nguyên liệu lá nón để đề xuất tổ chức quy hoạch cung ứng cho làng nghề nón lá Phong Sơn.
- UBND xã Phong Bình triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu bàng để phát triển nghề đệm bàng.
2. Về đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp:
Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế; căn cứ Chương trình phát tiển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp năm 2017, định hướng 2020 của tỉnh, hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp Phong Điền dự kiến như sau:
Về giao thông: Phối hợp với các ban ngành cấp tỉnh triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành đường cứu hộ cứu nạn; đường nối đường cứu hộ cứu nạn với đường Tỉnh lộ 9 khu công nghiệp Phong Điền.
Về cấp nước và xử lý nước thải: Hỗ trợ triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Phong Điền công suất 4.500m3/ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Hỗ trợ dự án nối mạng cấp nước từ nhà máy nước Phong Thu vào khu công nghiệp Phong Điền. Nghiên cứu và báo cáo UBND tỉnh cho triển khai dự án đầu tư hồ chỉ thị sinh học trong khu công nghiệp Phong Điền.
Về cấp điện: Tiếp tục hỗ trợ triển khai các dự án cung cấp điện thi công đến hàng rào công trình theo quy hoạch; hỗ trợ triển khai dự án đầu tư hệ thống cấp điện phục vụ thi công hạ tầng khu công nghiệp Phong điền – Viglacera.
Về hạ tầng khu công nghiệp:
- Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền của Công ty cổ phần Primer Thiên Phúc, Công ty TNHH C&N Vina Huế - Hàn Quốc.
- Tạo điều kiện và triển khai các nhiệm vụ theo thẩm quyền để triển khai đề án xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại khu công nghiệp.
- Tiếp tục tạo điều kiện về mặt bằng, cải cách hành chính để kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp.
Hạ tầng kỹ thuật khác:
- Tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu nuôi trồng thủy sản ven biển xã Điền Hương.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm tại xã Phong Hiền, Phong Sơn.
III. Về nguồn lực
Nguồn lực thực hiện các dự án trên từ ngân sách của trung ương, của tỉnh, vốn của các doanh nghiệp và một phần ngân sách huyện theo phân cấp.
IV. Tổ chức thực hiện
1. UBND các xã, thị trấn: Chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện kế hoạch; chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Phòng Kinh tế và Hạ tầng:
Chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các xã, thị trấn có liên quan theo dõi quá trình tổ chức thực hiện, tổng hợp kết quả báo cáo UBND huyện.
3. Phòng Tài chính-Kế hoạch:
- Căn cứ vào các chính sách chung của Trung ương, tỉnh cần chủ động tham mưu trong việc thực hiện các chính sách phù hợp cho huyện.
- Tổ chức cân đối nguồn ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện.
4. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
Triển khai quy hoạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện phục vụ phát triển ngành nghề TTCN và làng nghề.
5. Phòng Văn hóa – Thông tin:
Trong chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thì xây dựng kế hoạch lồng ghép hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương hiệu, phát triển sản phẩm TTCN và làng nghề đến với thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài huyện.
6. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
7. Ban QLDA Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phong Điền:
Phối hợp thực hiện kế hoạch. Chủ động tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư tại cụm công nghiệp Điền Lộc.