Tìm kiếm

TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 - Góp phần đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta
Ngày cập nhật 14/09/2023
Di tích lịch sử cách mạng Địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn

Di tích lịch sử cách mạng Địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 thuộc thôn Hiền Sỹ thuộc, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A ra hướng Bắc khoảng 20km (cầu An Lỗ), rẽ trái theo Tỉnh lộ 11B khoảng 5km, đến ngã ba cầu Cháy đi thẳng theo đường liên thôn, liên xóm khoảng hơn 1km là đến di tích.

Địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, Phong Điền được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào Ngày 20/01/2010, tại Quyết định số 156/QĐ-UBND. Cũng trong dịp này, Bộ Tài chính phối hợp với tỉnh tổ chức xây dựng và khánh thành di tích lịch sử này. Trong đó, dựng bia tưởng niệm bằng đá granit nguyên khối, các bậc tầng cấp đi lên, bãi đỗ xe, khuôn viên sân gạch quanh bia…

 

Quá trình ra đời

Ngày 31/01/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 18/SL cho phép Bộ Tài chính phát hành “Giấy bạc Việt Nam” ở Nam Trung Bộ từ vỹ tuyến 16 trở vào nhằm phục vụ cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Ở Thừa Thiên Huế, ngay từ đầu năm 1946, giữa lòng thành phố một cơ sở in thử bạc Tài chính Cụ Hồ được hình thành ngay tại nhà in Ngô Tử Hạ ở đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng). Do bảo mật về công tác in tiền nên lúc đầu Nha Tài chính Trung Bộ cũng không mấy ai được biết, với tính chất quan trọng đó mà mọi hoạt động lúc bấy giờ rất lặng lẽ bí mật, ai làm gì biết việc ấy. Cán bộ, công nhân lúc đầu được điều đến, cũng chỉ biết mình đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Cơ sở In bạc Tài chính Việt Nam ở Huế lúc đó trực thuộc Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ.

Lúc đầu cơ sở này chỉ in các loại bạc nhỏ: 01 đồng, 05 đồng với nền màu vàng úa xen hình màu xanh lá cây. Đây là thời kỳ in thử, số lượng giấy bạc in ra ít, nhưng rất được chú trọng, nâng niu; là sản phẩm đầu tay nên được đóng gói cất giữ cẩn thận, sau đó chuyển cho Ủy ban Tổng phát hành giấy bạc Việt Nam tại Trung Bộ làm nhiệm vụ phân phối.

Cùng với sự ra đời của cơ sở In bạc Tài chính Cụ Hồ ở nhà in Ngô Tử Hạ. Tại Huế, một xưởng dập tiền đồng (loại 20 xu, 05 hào, 01 đồng và 02 đồng) cũng được thành lập, cơ sở này (do đồng chí Bùi Châu phụ trách) đóng gần Văn Thánh, cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Bắc.

Ngày 06/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa ta và Pháp, nội dung nêu rõ: “nước Pháp phải thừa nhận Việt Nam là một nước độc lập, tự do, có Chính phủ, có Nghị viện, có Quân đội, có Tài chính riêng”. Nhưng Hiệp định được ký kết chưa ráo mực thì thực dân Pháp đã bội ước.

Tại Thừa Thiên Huế, chúng liên tục khiêu khích, gây căng thẳng, hòng đẩy lực lượng của ta vào thế bị động. Đi đôi với những hành động quân sự, thực dân Pháp còn tìm cách móc nối, tập hợp lực lượng phản động tay sai để phục vụ cho mưu đồ quay trở lại xâm lược làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Nhận thấy cơ sở in bạc trong thành phố Huế không an toàn, giữa năm 1946, cấp trên đã quyết định cho dời Cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ ở nhà In Ngô Tử Hạ ra xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo một số cao niên ở thôn Hiền Sỹ (sống gần Địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ) cho biết, khoảng giữa năm 1945, quân ta cho 1 trung đội ra đóng chốt tại vùng này và xây dựng cơ sở ấn loát tiền. Người dân không biết quân ta xây dựng gì, chỉ biết là có nhiều tầng bảo vệ, không cho ai đến gần. Chỉ huy xây dựng là ông Hoàng Ngọc Hào (cận vệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Thời gian này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về đây sống tại nhà bà Hoàng Thị Tẩm để xây dựng, hội họp cơ sở và chỉ đạo bảo vệ việc xây dựng. Sau này, mọi người mới biết việc xây dựng Sở Ấn loát tài chính Trung bộ. Nay, những người liên quan đến việc xây dựng Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đều đã qua đời.

“Những ngày quân ta chuyên chở các vật dụng in tiền bằng thuyền từ thành phố Huế về theo sông Bồ. Sau đó, điểm in tiền hoạt động khoảng hơn 6 tháng thì chuyển đi. Sau khi chuyển đi, người dân mới được vào khu này và chỉ thấy một hang sâu khoảng chừng 5m, rộng 3m, đủ chỗ cho nhiều người ở. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực này bị máy bay Mỹ, ngụy tàn phá và trở nên hoang tàn”, ông Hoàng Chơn, nhớ lại.

Nhân vật, sự kiện diễn ra tại di tích

Thôn Hiền Sỹ là vùng đất có địa hình đồi núi và sông nước bao quanh. Vào thời điểm đó, muốn đi vào xóm (xóm Hói) phải đi qua một chiếc cầu tre (nay có tên gọi là cầu Am). Do có vị trí an toàn như vậy, nên trước tình hình thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta thêm lần nữa. Cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ đã chuyển đến vùng đất này để tiếp tục công việc sản xuất giấy bạc Cụ Hồ năm 1946. 

Cuộc di chuyển được tiến hành khẩn trương và bí mật, ta đã chuyển tất cả số máy móc, gồm: 04 máy đứng nhỏ, 01 máy Apiat, 01 máy Viorin, 02 máy xén giấy (massicot), bộ phận đúc, chữ in và nguyên liệu cần thiết khác. Lúc đến địa điểm mới ở ven một đồi tràm, bên một con hói đã có 02 dãy nhà làm sẵn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn, ở của cán bộ và công nhân ở đây (khoảng 20-25 người). Ngoài một số máy móc được đưa đến, ở đây còn có 02 máy in Marinoni do nhà in Ánh Sáng giao lại.

Ban phụ trách là các đồng chí Trần Quốc Dụ, Nguyễn Mai, Lê Đình Hanh. Các đồng chí này được phân công từng công việc riêng, như: văn phòng, hành chính, tài vụ, quản đốc các phân xưởng. Cán bộ kỹ thuật có đồng chí Nguyễn Thuật của trường Kỹ Nghệ Huế (nay là trường Cao đẳng Công Nghiệp Huế) hướng dẫn lắp ráp máy nỗ. Công nhân vận hành là các đồng chí Đỗ Hai và Hoàng Kháng. Ngoài ra, có tuyển thêm một số thanh niên ở thành phố ra, như: Nguyễn Hữu Thận, Hoàng Tân và Lê Văn Lai người địa phương.

Nhà bia tưởng niệm tại di tích

Quy trình sản xuất đồng bạc gồm các khâu: Nấu keo, đúc lô, cắt xén giấy (giấy bổi bằng vỏ cây xay), lên khuôn mẫu, tra dầu cho máy, dập in thử rồi chỉnh lại… Máy nhỏ in được 6-8 tờ bạc, máy lớn in được 12-14 tờ bạc trên một tờ giấy, được sắp xếp lại ngay ngắn, để rồi chuyển sang in số. Những tấm giấy to sẽ được xếp đúng 500 tờ một tập, đưa vào máy xén tách ra thành từng tập nhỏ 500 tờ bạc (loại 01 đồng hoặc 05 đồng, về sau có in thêm loại bạc 10 đồng và 20 đồng). Bộ phận cắt xén buộc lại thành từng gói, dán nhãn, đóng vào thùng gỗ, ràng thép, rồi đóng niêm múi thép lại. Những việc này được thực hiện tại một phòng riêng, có anh em tự vệ theo dõi việc ra vào rất nghiêm ngặt. Các thùng bạc được đưa vào kho, để sau đó chuyển cho Ủy ban Tổng phát hành giấy bạc Việt Nam tại Trung Bộ (do đồng chí Trần Duy Bình làm Giám đốc, đồng chí Lê Đình Khải làm Phó Giám đốc) làm nhiệm vụ phân phối.

Có một thời gian, do nguyên vật liệu dùng cho việc in bạc ở Trung ương chuyển vào không kịp, nên cơ sở này chuyển sang in một số tài liệu chính trị theo yêu cầu của cấp trên; như:  Các tài liệu “Duy vật biện chứng - Duy vật lịch sử”, “Các Mác và chủ nghĩa Mác”… là những tài liệu rất quý lúc bấy giờ để nâng cao nhận thức về chủ trương và đường lối của Đảng, của Nhà nước… cho cán bộ, nhân dân sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Đồng bạc Tài chính Việt Nam tuy được in ra ở Trung Bộ nhưng chưa được chi dùng ở đây vì Chính phủ ta phải nhân nhượng để đối phó với quân Tàu Tưởng, do đó cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ in được bao nhiêu bạc đều chuyển vào Nam Trung Bộ, nơi mà chính quyền cách mạng hoàn toàn làm chủ và phong trào đấu tranh của quần chúng rất mạnh nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát hành. Tiền Tài chính này dần lan ra Hà Nội nên ngày 13/8/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 154/SL cho phép phát hành “Giấy bạc Việt Nam” tại Bắc Trung Bộ (Bắc vỹ tuyến 16). Giấy bạc mang chân dung Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra mắt quốc dân, đồng bào ta vui mừng và trân trọng hoan nghênh “giấy bạc Cụ Hồ”, coi đó là một biểu tượng cho nền độc lập của nước nhà. Ở khắp mọi nơi, ngày đầu phát hành giấy bạc đều được tổ chức như một ngày hội lớn, nhân dân nô nức đi đổi giấy bạc Đông Dương lấy “giấy bạc Cụ Hồ”. Chính phủ quy định 01 đổi 01, nhưng nhân dân tín nhiệm đồng bạc độc lập của ta đã đổi với giá 01 đồng Việt Nam ngang với 1,2-1,3 đồng Đông Dương, nhiều đồng Bạc đã rách nát nhưng dân chúng vẫn truyền nhau “Còn cái râu Cụ Hồ là còn tiêu”.

Có thể nói, sự ra đời của giấy bạc Cụ Hồ lúc này đã khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính độc lập của nước ta, đồng thời đó cũng là phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động, tập hợp được sức người sức của ứng phó với muôn ngàn khó khăn trước mắt.

Trong khoảng thời gian giữa năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp ngày càng căng thẳng hơn. Chính phủ ta đã hết sức nhân nhượng nhằm tranh thủ thời gian để sản xuất, xây dựng và củng cố lực lượng, nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, gây ra nhiều vụ khiêu khích. Chúng liên tục gây ra nhiều cuộc đụng độ lớn ở Nam Bộ, Bắc Bộ và ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Trung Bộ cũng trong tình trạng đó.

Nhận thấy không khí chiến tranh đã lan tràn khắp nơi, đồng thời để đề phòng mọi sự chia cắt đất nước có thể xảy ra. Giữa tháng 12/1946 cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ đóng ở đây được chia ra thành hai bộ phận: Một bộ phận với số lượng cán bộ, nhân viên nhiều hơn chuyển ra Khu IV (Hà Tĩnh) để trực tiếp điều hành công tác tài chính ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra Thanh Hóa. Bộ phận thứ hai với số lượng cán bộ, nhân viên ít hơn chuyển vào Quảng Ngãi để cùng UBND Khu V và Nam Trung Bộ phụ trách công tác tài chính ở vùng Nam Trung Bộ. Đến đây cơ quan Ấn loát Tài chính Trung Bộ đặt tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã kết thúc nhiệm vụ của mình.

Mặc dù ra đời và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng địa điểm In bạc Tài chính Cụ Hồ năm 1946 tại xã Phong Sơn đã góp phần đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta lúc bấy giờ. Đó là một giai đoạn đấu tranh gay go, gian khổ trong quá trình lao động sáng tạo, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vô cùng vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của toàn dân tộc.

 

Tiến Dũng (TT VH -TT&TT huyện)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.225.791
Hiện tại 436 khách